Ở rạch Thuồng Luồng vừa có thầy Hai Rắn nổi danh do tài nghệ siêu phàm trị rắn độc cắn, điều khiển được mãng xà vương. Năm Điền là thầy rắn lừng danh nay lu mờ trước Hai Rắn đã nảy sinh mối thâm thù. Năm Điền nào biết điều khiển rắn, bèn xúi con gái là Lài yêu đương với Lợi, con trai Hai Rắn để moi “bùa” quy phục rắn. Lợi tiết lộ cha nó dùng 5 thứ thuốc nhưng thứ chính là cây huê xà nên rắn độc ngửi hơi sợ, ê răng ê mỏ. Nghe con thuật lại, Năm Điền thấy tên cây lạ quá ngỡ thằng Lợi nói gạt. Vì háo danh, thầy Năm kéo theo con Lài thử độc và cả hai bị rắn cắn chết do thiếu vị thuốc huê xà (trích Cây huê xà - Hương rừng Cà Mau).
Trong truyện, Sơn Nam thông qua nhân vật tiết lộ cây huê xà hiếm có, mọc trên chót núi Cấm (nay thuộc xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang). Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên, nói: “Cây huê xà trị rắn cắn có thật, nó mọc rất ít trên núi, nên khó ai tìm”. Miệt Thất Sơn ngày đó hoang vu lắm, loài rắn độc như chàm quạp, hổ mây, cạp nong, hổ chuối, lục đuôi đỏ... tung hoành tạo nên cuộc chiến sinh tồn âm thầm giữa người và rắn. Tùy theo loài rắn mà các thầy rắn dùng thuốc, dùng ngải, dùng bùa, dùng sừng dinh... chống trả. Bây giờ rừng rú nhường bước dân cư đông đúc nhưng năm nào cũng có người tử vong, bị trúng độc do rắn cắn. Thế nhưng, nghe tả cây trị rắn độc tên huê xà màu sắc vằn vện như da rắn, dây mút tròn, người già, thầy rắn đều lấy làm lạ. Họ trầm ngâm nếu có biết cây thần sầu đó thì nhiều người sống trên núi Cấm và miệt Thất Sơn đâu uổng mạng vì rắn.
Cây huê xà bông trắng - Ảnh: Thanh Dũng
Mấy cụ khuyên đâu thử về Ba Chúc (H.Tri Tôn) hỏi các thầy rắn có trồng cây ấy. Những năm 1990 vùng này rắn còn lềnh khênh, ban đêm rắn rượt chuột chạy trên mái nhà. Nhiều rắn lớn nằm sau nhà gáy le te như gà nghe lạnh người, con nít mà chiều tối huýt sáo rắn độc nghe bò vào nhà cả bầy... Một thầy rắn tên T. vừa giải nghệ nhà ở núi Dài thú thực ông và nhiều thầy rắn có nghe nhưng chưa đủ “nhỡn lực” tìm ra cây huê xà. Ông T. kể mỗi người theo nghề rắn có “bí kíp” và thờ tổ theo cách riêng. Như bản thân ông đã nuôi cặp rắn hổ mây để phù hộ, lần đó như thường lệ cho rắn ăn bất ngờ chúng đớp lại, biết “rắn phản chủ” báo điềm dữ nên ông tạ tổ, phóng sinh cặp rắn vào rừng, đoạn tuyệt với rắn.
Hỏi nhiều thầy rắn, cụ lão người ta chỉ dẫn mơ hồ. Tưởng không có duyên với Sơn Nam thì có người khuyên nên gặp Bảy Phong (Lê Thanh Phong, 55 tuổi), người đi săn thuốc rừng số một ở An Giang. Nếu ông Phong không biết nơi cây huê xà mọc thì nên bỏ cuộc, hỏi thêm ai cũng vô ích. Nhưng gặp ông Phong cũng khó vì ông đi rừng nhiều hơn ở nhà và đó là người rất kiệm lời, bí hiểm...
Cây tổ trị rắn
Sau nhiều lần hẹn mới gặp được cao nhơn săn thuốc rừng. Ông Phong chậm rãi: “Huê xà có nhiều loại, trong đó cây huê xà có bông trắng và bông đỏ là công dụng nhất. Cây huê xà bông đỏ được những người bắt rắn, thầy rắn gọi là “cây tổ” vì rắn độc rất sợ cây này”. Ông Phong cho biết nơi có cây huê xà mọc gần đó rắn độc không dám bò, ở vùng trung du người ta gọi nó là cây gió lửa vì bông huê xà màu đỏ rực rất đẹp, cách 4 tháng chúng lại trổ bông. Ông Phong nói: “Huê xà ghê gớm lắm, người đang bị rắn cắn nhai lá hay bông không sao, còn người thường nhai huê xà bị bỏng lưỡi, bỏng miệng như nuốt nước sôi. Tôi từng dùng huê xà giúp một số người bị rắn cắn, cho họ nhai lá xong thấy người mát lạnh, sau đó lấy xác lá đắp lên vết cắn, phối vài vị thuốc thì nọc độc tan hết. Cây hiếm và khó tìm nên tôi đã lấy giống đưa bạn bè ở An Giang nghiên cứu trồng thử, tìm hiểu thêm công dụng trị các bệnh khác”.
Ông Phong phục lắm, nói các thầy rắn giấu tuyệt kỹ, bí truyền phương thuốc cho đệ tử ruột để giữ danh “thầy rắn” hay cao nhơn trị rắn, vậy không hiểu sao Sơn Nam vẫn moi được bí mật vị thuốc cây huê xà. Ngoài ra, cây huê xà bí ẩn và ít được biết do các thầy rắn không phổ biến vì sợ có lỗi với “tổ”, vì công dụng thần bí của chúng làm người ta hám lợi, hám danh đi săn lùng làm “bùa hộ thân” tàn sát rắn gây sát nghiệp. Rắn nào thù oán với người, tạo hóa ban cho các loài cây thuốc để khắc chế nộc độc chứ không dùng chúng lạm sát rắn, những người lợi dụng nghiệp tổ rốt cuộc bị quả báo phản bùa, phản thuốc, chết vì rắn cắn là cái oán nghiệt của nghề rắn.
Ông Phong nói ngày xưa miệt vườn sinh đẻ có bà mụ đỡ, bệnh có thầy lang lo, rắn độc có thầy rắn trị. Ông Phong nghiêm túc: “Bây giờ khoa học tiến bộ nên bị rắn độc cắn đưa vào bệnh viện điều trị, cách trị rắn như cây huê xà bị xem là huyền hoặc. Nhưng hàng chục năm trước, miền Tây rừng rú, rắn độc có khắp nơi, nó vào tận nhà, vào tận buồng ngủ, nó cắn người tước đi bao nhiêu nhân mạng. Thời buổi đó các thầy rắn xuất hiện là thuận lẽ tự nhiên, họ dùng các cây cỏ, cây thuốc giành giật mạng sống với nhiều phương cách bí hiểm, dị thường nên người đời cho là huyền bí, siêu nhiên”.
Cây huê xà cùng thầy rắn miệt vườn là những người bằng xương bằng thịt đã trở thành huyền thoại cho một thời khẩn hoang “dưới sông sấu bắt, lên rừng cọp tha, ra đồng rắn cắn”...