Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều khó khăn
Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều chủng loại giống thích nghi được với đất đai, thời tiết của vùng. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, khí hậu tương đối ổn định, nóng ấm, là điều kiện phù hợp phát triển rau nhiệt đới. Các chính sách quy hoạch trồng trọt rau của đồng bằng sông Cửu Long đã tạo điều kiện cho việc phát triển rau trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác chọn lọc nhân giống vẫn chưa được đầu tư đúng mức, phần lớn do người nông dân tự thực hiện, nông dân thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng rau, sử dụng giống không có nguồn gốc, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật không xuất xứ, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sản xuất rau vẫn còn mang tính nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo về chất lượng cũng như sản lượng. Hoạt động quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu rau đồng bằng sông Cửu Long chưa được chú trọng, khó cạnh tranh với các sản phẩm rau của các địa phương khác như Đà lạt.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Cà Mau cho biết, phần lớn đất đai Cà Mau đều bị nhiễm phèn, mặn do điều kiện gần biển, không có nguồn nước ngọt bổ sung, sản xuất rau chủ yếu bố trí vào mùa mưa chiếm trên 80%, mùa khô do không có nguồn nước tưới nên diện tích trồng rau rất ít. Diện tích trồng rau của người dân còn mang tính nhỏ lẻ manh mún, tự phát chưa quy hoạch tập trung thành vùng chuyên canh quy mô lớn, chưa hình thành được các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên sản xuất, tiêu thụ rau ở địa phương. Do vậy nhu cầu rau cung cấp cho dân cư trong vùng chưa đáp ứng được. Đặc biệt Thành phố Cà Mau có nhu cầu tiêu thụ rau rất lớn, mỗi tháng phải nhập ngoài tỉnh vài trăm tấn rau các loại. Trình độ sản xuất rau của tỉnh còn thấp, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác rau màu như màng phủ nông nghiệp, nhà lưới, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học… còn hạn chế. Phần lớn nông dân trồng rau vẫn làm theo phương thức cũ kỹ như sử dụng phân bón hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều, sử dụng nhóm thuốc có độ độc cao, vệ sinh an toàn trong vùng sản xuất rau chưa đảm bảo. Công tác tư vấn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu quảng bá rau an toàn, rau Vietgap (Vietnamese Good Agricultural Prcatices) chưa được quan tâm để khuyến khích người dân, đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho rau an toàn chưa phát triển được ở hầu hết các vùng trồng rau trong tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang hiện có diện tích đất sản xuất rau củ quả gần 2.500 ha, nhưng diện tích được quy hoạch cho sản xuất rau an toàn còn khá khiêm tốn, chưa đầy 200 ha. Mặc dù nhiều địa phương đã đầu tư và quy hoạch thành các vùng sản xuất rau tập trung, nhưng ngoài một số ít xã có diện tích chuyên canh rau củ quả có quy mô khá và đang được đầu tư sản xuất rau có chiều sâu như: Phú Quốc, Kiên Lương, U Minh Thượng…, phần lớn vẫn đang sản xuất trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư từ kết cấu hạ tầng đến công tác hoạch định, chỉ đạo sản xuất. Các hộ trồng rau đa phần thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý nên khó nắm bắt và tuân thủ các yêu cầu sản xuất theo quy trình an toàn VietGap. Việc vận chuyển, thu mua, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ rau an toàn gặp nhiều khó khăn.
Cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới
Sản xuất rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao như sản xuất trong nhà lưới chống côn trùng, mái lưới che hạn chế tác hại của các yếu tố thời tiết bất lợi, trồng rau không cần đất… bước đầu được áp dụng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long thực hiện mô hình sản xuất rau sạch, ứng dụng công nghệ cao, không trồng rau dưới đất mà trồng trên giá thể; không bón phân hạt mà dùng phân hòa tan; không tưới nước bằng tay mà tưới nước nhỏ giọt. Ngoài những loại rau xanh thông thường thì những loại rau cao cấp như: Cải tần ô, xà lách xoong, bắp cải, cải rổ… cũng đã được trồng thành công. Quy trình canh tác được quản lý nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Quá trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép và ưu tiên dùng thuốc sinh học… Công ty cổ phần Nông trại Sinh thái là đơn vị đầu tiên tại Kiên Giang áp dụng những công nghệ trồng rau an toàn này và đã chuyển giao cho bà con trên đảo công nghệ trồng rau bằng cách che lưới và hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt, đồng thời bao tiêu thu mua lại, mỗi ngày cung cấp khoảng 700-800 kg rau sạch ra thị trường.
Theo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đồng Tháp, khó khăn trong sản xuất rau là tốn quá nhiều công lao động làm tăng chi phí sản xuất. Để khắc phục khó khăn này cần sử dụng công nghệ tưới phun trong sản xuất rau. Loại hình tưới phun này giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất, đồng thời tiết kiệm lượng nước tưới, thời gian và công lao động. Hơn nữa, áp dụng hệ thống tưới phun tạo những giọt nước mịn làm cho cây sinh trưởng tốt và hạn chế sự lây lan mầm bệnh từ đất lên cây. Hạn chế được sự ô nhiễm nguồn nước đồng thời an toàn về mặt vi sinh vật gây hại. Khi tưới bằng hệ thống tưới phun, nước tưới không bị đục do nhiễm bẩn bởi đất trồng, ảnh hưởng xấu đến khả năng quang hợp của cây. Ngoài ra, hệ thống tưới phun còn đem lại nhiều lợi ích khác như bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiết kiệm được lượng nước, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Anh Nguyễn Văn Hùng, ấp Phú An, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, trong vụ đông xuân năm 2012 đã được trạm Bảo vệ thực vật Châu Thành hỗ trợ thực hiện thử nghiệm mô hình “Hệ thống tưới phun trên rau an toàn” trên 0,3 ha củ cải trắng. Anh Hùng cho biết, sau 2 tháng thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giúp tiết kiệm được hơn 15 ngày công lao động và 77 KWh điện cho gia đình, tương đương hơn 1,5 triệu đồng/vụ. Tưới phun đất không bị lèn chặt, cây phát triển tốt làm củ cải dài hơn, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Tại Vĩnh Long, hiện mô hình dưa leo sạch theo công nghệ Australia của gia đình ông La Văn Khoa, ấp An Phú, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình đang thực hiện bước đầu rất khả quan. Dưa được trồng trên diện tích 1.500m2 gồm nhà kính, hệ thống tưới nước và cung cấp dinh dưỡng tự động, hệ thống phun nước làm mát, quạt gió và hệ thống nâng mái tự động, đặc biệt quy trình chăm sóc bón phân được kiểm soát chặt chẽ. Ông Khoa cho rằng, ngay lần thử nghiệm đầu tiên (cuối năm 2011), dưa phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu đồng bằng sông Cửu Long, đạt năng suất cao (12 tấn/1.000 m2), mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi dưa đến kỳ thu hoạch, toàn bộ sản phẩm sẽ được cung ứng cho siêu thị Big C Cần Thơ. Mô hình này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn về sản xuất rau sạch vào cuối năm 2012 và đánh giá đây là một mô hình triển vọng, cần nhân rộng.