Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo Đề án, từ năm 2013 tỉnh Điện Biên sẽ quy hoạch 6 khu bảo tồn với tổng diện tích trên 202.000 ha, chiếm hơn 21% diện tích tự nhiên hiện có. Ngoài Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia Mường Nhé được thành lập từ năm 1986 có diện tích tự nhiên trên 45.000 ha, 5 khu bảo tồn mới được tỉnh Điện Biên quy hoạch gồm: Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang - Mường Phăng: Khu bảo tồn Nậm Khăn - Mường Tùng; Khu bảo tồn Huổi Lèng - Nà Tấu; Khu bảo tồn Pa Thơm; Khu bảo tồn Mường Nhà. Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cũng quy hoạch 4 hành lang bảo tồn đa dạng sinh học nối các khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia, cấp tỉnh với tổng diện tích gần 4.000 ha, chiếm gần 0,4% diện tích tự nhiên.
Với trên 760.000 ha rừng và đất có rừng, tỉnh Điện Biên được đánh giá là địa bàn có tính đa dạng sinh học cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ thực vật trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 5 ngành thực vật bậc cao có mạch gồm tổng số gần 2.000 loài thuộc 780 chi và 196 họ. Hệ động vật gồm 4 lớp: thú trên 50 loài; chim gần 200 loài; bò sát gần 40 loài. Thành phần thủy sinh vật có trên 350 loài thực vật, động vật nổi, động vật đáy và trên 170 loài cá. Hơn 40 loài thực vật; 20 loài thú; trên 20 loài chim, bò sát trên địa bàn tỉnh Điện Biên có danh mục trong sách đỏ Việt Nam .
Trong nhiều năm qua, trước những nguyên nhân như: Tốc độ tăng trưởng dân số, di cư tự do; tình trạng đốt, phá rừng làm nương; việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành đất sản xuất nông nghiệp; trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng hồ thủy lợi, thủy điện, đã phá vỡ hệ sinh thái và sinh cảnh tự nhiên… dẫn đến đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, nhiều loài thực vật, động vật quý, hiếm như: Pơ mu, thông tre, sao mặt quỷ, trầm hương, gấu, linh trưởng, niệc cổ hung… đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.
Trên nguyên tắc quy hoạch đảm bảo các mục tiêu: Bảo tồn, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng (về trách nhiệm và lợi ích) đối với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học; bảo tồn tại chỗ là chính nhưng cần mở rộng việc bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học vượt ra ngoài ranh giới các khu bảo tồn; chú trọng đến việc đảm bảo hệ sinh thái, bảo tồn cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái… Đề án “quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được tỉnh Điện đánh giá là bản quy hoạch tổng thể, hoàn thiện, có ý nghĩa chiến lược trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn cho hiện tại và tương lai.
Triển khai đề án, tỉnh Điện Biên đưa ra nhiều giải pháp thực hiện quy hoạch, trong đó nhấn mạnh: Về cơ chế chính sách, tỉnh Điện Biên sẽ thể chế hóa các văn bản pháp luật, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ tốt đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn; khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và người dân tích cực tham gia bảo tồn, khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên các khu bảo tồn trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đối với vấn đề sinh kế cho người dân vùng đệm, tỉnh Điện Biên sẽ hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho cư dân sống trong vùng đệm phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống; giảm thiểu tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong khu bảo tồn; đồng thời triển khai thực hiện tốt chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, đa dạng sinh học. Các giải pháp về tuyên truyền, khoa học công nghệ, hợp tác bảo tồn… cũng được tỉnh Điện Biên coi trọng, triển khai song hành trong thực hiện quy hoạch của Đề án.