Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thi vẽ tranh bảo vệ loài tê giác một sừng

(00:28:02 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo vệ tê giác một sừng và các loài động vật hoang dã quý hiếm,” phát động ngày 23/3, tại tỉnh Đồng Nai, nhằm nhắc lại sự kiện sau một năm con tê giác Java chết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Cuộc thi còn nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em và công chúng về vẻ đẹp và giá trị của các loài động vật hoang dã, đồng thời kêu gọi cộng đồng hành động bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như loài tê giác Java ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.

 

 

Tê giác một sừng. (Nguồn: Internet)

 



Tất cả trẻ em trong cả nước từ 11-15 tuổi đều được tham gia cuộc thi này. Nội dung của tranh sẽ tập trung vào các chủ đề như vẻ đẹp, giá trị của tê giác một sừng hoặc các loài động vật quý hiếm; các mối đe dọa đối với tê giác một sừng; những hành động của thiếu nhi để bảo vệ các loài động vật quý hiếm để chúng không gặp phải nguy cơ tuyệt chủng như loài tê giác một sừng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 23/3 đến 12/5 tới.

Đầu tháng 5/010, xác một cá thể tê giác một sừng đang phân hủy được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, với một viên đạn ở chân trước bên trái và dấu hiệu sừng bị cưa. Qua phân tích, điều tra ban đầu cho thấy cá thể tê giác đang trong độ tuổi trưởng thành (từ 15-25 tuổi) và không chết vì già.

Kết quả khám nghiệm bộ xương và nghiên cứu hiện trường nơi tìm thấy bộ xương tê giác của các chuyên gia thú y, pháp y và chuyên viên về tội phạm động vật hoang dã của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho thấy nhiều khả năng cá thể tê giác chết do vết thương từ viên đạn gây ra. Cuộc điều tra đang được tiếp tục nhằm xác định những cá nhân có liên quan tới việc săn trộm và buôn bán chiếc sừng của cá thể tê giác.

Hiện mẫu gien (ADN) tê giác cũng đang được các nhà khoa học phân tích nhằm tìm hiểu thêm về con tê giác đã chết. Kết quả phân tích gien sẽ cho biết đây có phải là con tê giác cuối cùng ở Việt Nam hay không.

Sỹ Tuyên (TTXVN/Vietnam+)