Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cá Tra Dầu sông Mêkông (tên khoa học là Pangasianodongigas) biểu trưng cho sự nguyên trạng về sinh thái của sông Mêkông và sự phong phú của những loài cá khác được xem như nguồn sinh kế cho người dân sống trong lưu vực sông. Với kích thước to lớn, có thể dài đến 3 mét và trọng lượng lên đến 250 kg, đây là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Cá Tra Dầu mang ý nghĩa biểu tượng, gắn với khu vực sông Mêkông nhưng số lượng của chúng trong tự nhiên đang giảm đáng kể. Trong sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 2004, loài cá này đã được xếp vào loài đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
Kỹ sư Lê Hoàng Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thông tư quy định danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển, trong đó có họ cá tra là Cá Tra Dầu có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn ở Việt Nam. Theo kỹ sư Vũ, đối tượng vi phạm các quy định về quản lý các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ, bảo tồn và phát triển theo quy định của Công ước CITES và các loài thuộc danh mục bảo vệ của sách đỏ bị phạt từ 20-25 triệu đồng. Bên cạnh đó còn hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu số thủy sản đã khai thác trái phép, tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện vi phạm, buộc thả số thủy sản còn sống trở lại môi trường sống...
Anh Nguyễn Minh Chiến, một ngư dân ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh cho biết: Cách đây hơn 10 năm, hai bố con anh đánh bắt trên địa phận sông Tiền gần khu vực Phà Cao Lãnh được con cá Tra Dầu nặng hơn 300 kg. Mới đây lại bắt được con cá Tra Dầu đực, nhỏ hơn.
Theo các nhà nghiên cứu về Chương trình đa dạng sinh học đất ngập nước Mêkông, sự đa dạng sinh học của lưu vực sông Mêkông có tầm quan trọng quốc tế, bao gồm những hệ sinh thái độc đáo, có một số loài bị đe dọa tuyệt chủng cấp toàn cầu như loài cá heo lrrawaddy, cò quắm lớn, sếu đầu đỏ, cá sấu Xiêm, cá Tra Dầu... Sự săn bắt tràn lan cùng với việc buôn bán động thực vật bất hợp pháp đã làm một số loài đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Thực trạng hiện nay của cá Tra Dầu cho thấy tính tự nhiên bị xáo trộn trong khu vực sông Mêkông, làm sự sống và số lượng loài cá Tra Dầu ở khu vực hạ lưu bị ảnh hưởng do những thay đổi của khu vực thượng lưu. Do cá Tra Dầu được xem là động vật đại diện để đánh giá về tình trạng hệ sinh thái và thủy sản của sông Mêkông nên Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới rất quan tâm tới tình hình hiện tại của loài cá này.
Có nhiều nguyên nhân làm giảm số lượng loài cá Tra Dầu, trong đó có sự thay đổi nhanh chóng của môi trường ở lưu vực sông. Để ngăn ngừa sự tuyệt chủng cá Tra Dầu, cần có sự phối hợp chặt chẽ của bốn quốc gia thuộc hạ lưu sông Mêkông là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan trong công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, cần nhân giống cá Tra Dầu ra tự nhiên, tăng cường các hoạt động bảo tồn cá Tra Dầu, như: phát tờ rơi cổ động, nghiên cứu kiểu di trú và đẻ trứng, đánh giá việc cải thiện đánh bắt, hỗ trợ chương trình “Mua và thả” và có các hoạt động bảo tồn loài cá Tra Dầu tại cấp quốc gia và khu vực.