Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nỗ lực cải tạo chất lượng đàn bò Tin ảnh

(08:32:37 AM 20/06/2013)
(Tin Môi Trường) - Những năm qua, chăn nuôi bò thịt ở Cao Bằng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi bò bền vững, tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực cải tạo chất lượng đàn bò giống.

Trước đây, phương thức chăn nuôi bò phổ biến của người dân Cao Bằng là quảng canh, mang tính chất tự phát với quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Với một tỉnh miền núi diện tích đất nông nghiệp ít, chỉ có 9%, còn lại là đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối, cho nên Cao Bằng rất khó khăn trong việc phát triển trồng trọt. Do đó, Cao Bằng xác định, chăn nuôi đại gia súc, trong đó phát triển đàn bò là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Ảnh minh họa

Đây là hướng đi hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Để phát triển đàn bò theo hướng sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, các cấp chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân dân trong tỉnh mạnh dạn sử dụng giống bò U của đồng bào Mông thay cho giống bò Cóc của địa phương. Qua công tác tuyên truyền, vận động, bà con được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò nên những năm gần đây, phong trào nuôi bò ở Cao Bằng đã phát triển rộng rãi với quy mô lớn. Người dân chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2006 - 2015 phát triển theo hướng tập trung với quy mô trang trại vừa và lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, bảo đảm vệ sinh thú y, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… trong đó cải tạo đàn bò theo hướng zebu hóa. Tỉnh Cao Bằng triển khai Chương trình phát triển đàn bò giai đoạn 2006 - 2015, phấn đấu đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông, lâm nghiệp, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Toàn tỉnh hiện có trên 10 vạn con bò giống địa phương, sinh trưởng phát triển phù hợp với thời tiết khí hậu của vùng, ít bệnh tật. Đặc biệt, giống bò U của đồng bào Mông được nông dân nuôi tại chuồng, trọng lượng có con đạt 700 - 800 kg, chất lượng tốt không kém gì bò sind của Ấn Độ.

Thời gian gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo đàn bò cái “cóc” bằng 2 phương pháp: Thụ tinh nhân tạo, tinh đông viên bảo quản trong bình (nitơ lỏng) và phối giống trực tiếp, đưa các bò đực giống tốt đạt chuẩn xuống các gia đình nuôi bò. Nhưng tại một số địa phương, do phương thức chăn nuôi quảng canh, nhỏ lẻ, phân tán, nên việc thụ tinh nhân tạo đạt kết quả thấp. Mặt khác, người chăn nuôi chưa “thân thiện” với bò đực giống ngoại, vẫn để con đực giống “cóc” tự do phối giống, nên đực giống chuẩn đưa xuống không cạnh tranh được với đực giống “cóc” tại chỗ. Do đó, đàn bò có tăng trưởng về số lượng, nhưng chất lượng chuyển biến chậm, số lượng bò lai chính không nhiều.


Ông Lương Quang Nam - chuyên viên Phòng chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: Để cải tạo chất lượng đàn bò có hiệu quả, thời gian gần đây Sở có phương án, dùng bò cái bản địa và bò vàng Ba Vì (Hà Nội) phối với bò đực là Bò U của đồng bào Mông. Phương pháp này đang cho kết quả khá tốt, bê con sinh ra vừa thích nghi tốt với khí hậu thổ nhưỡng, đồng thời vừa tăng trưởng nhanh và đạt chất lượng thịt cao.


Các địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi mạnh là: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng. Đảng bộ huyện Bảo Lâm ra Nghị quyết phấn đấu năm 2013 đàn bò đạt 45.000 con. Nhiều gia đình ở Bảo Lâm thường xuyên nuôi từ 40 - 100 con bò, như ông Hoàng Văn Nó ở xóm Phiêng Roỏng, xã Thạch Lâm nuôi 130 con; ông Vừ Ống Théc ở xã Sơn Lập (huyện Bảo Lạc) nuôi trên 100 con... Ở huyện Hà Quảng, từ khi có chương trình số 14 của Huyện ủy về “Nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi mũi nhọn giai đoạn 2011 - 2015” đã thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò hàng hóa của huyện phát triển, nhất là các xã vùng cao. Đến nay, toàn huyện Hà Quảng có gần 8.000 con bò. Hiệp hội chăn nuôi bò tỉnh Cao Bằng có hơn 500 thành viên. Sản phẩm thịt bò Cao Bằng đạt chất lượng được các siêu thị lớn ở Hà Nội tiêu thụ.


Nhìn chung, từ khi có chương trình phát triển và cải tạo đàn bò, tỉnh Cao Bằng không chỉ tăng về số lượng đàn bò mà chất lượng có nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên, chất lượng đàn bò chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra, mà bò “cóc” vẫn chiếm số đông trong tổng đàn. Hy vọng trong thời gian tới, với những nỗ lực của ngành nông nghiệp Cao Bằng và sự đồng tình ủng hộ của bà con nơi đây, việc chăn nuôi bò sẽ trở thành ngành sản xuất chính của tỉnh, góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho vùng cao này.

(TTXVN)