Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo báo cáo của UBND Bình Dương, tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp tập trung, trong đó 24 khu đã đi vào hoạt động với trên 1.200 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh. Đối với các cụm công nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại đã hình thành được 8 cụm với diện tích trên 600ha, có 3 cụm đã lấp kín diện tích, 5 cụm đang tiếp tục đề bù giải tỏa và có khoảng 1.450 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Đề cập đến công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn địa phương, bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho rằng: Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có những thành tựu nhất định và đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhưng công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở công nghiệp còn nhiều tồn tại, cần phải tập trung giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững như mục tiêu đã đề ra.
Trong những năm qua, công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm công nghiệp của Bình Dương ngày càng được tăng cường, cụ thể như tỉnh đã ban hành Quy định bố trí các ngành sản xuất công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư vào khu công nghiệp, không thu hút các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao như dệt nhuộm, thuộc da, xi mạ. Việc đánh giá, xem xét các dự án đầu tư gắn với việc đáp ứng, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo các điều kiện về môi trường.
Nhờ đó, từ năm 2006 đến nay trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã có 94 dự án đầu tư bị từ chối, trong đó có 87 dự án không phù hợp với quy hoạch, 7 dự án không đảm bảo về môi trường. Tỷ lệ cơ sở mới bố trí đúng quy hoạch được phê duyệt, áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm và xử lý chất thải đạt 80%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn môi trường, hoặc được cấp chứng nhận ISO 14001 là 16,5%. Các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất mới thành lập đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động.
Bên cạnh công tác kiểm soát ô nhiễm, những biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp khắc phục ô nhiễm cũng được quan tâm. Bình Dương đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gây ô nhiễm phải di dời, hay xây dựng Danh sách doanh nghiệp xanh. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp được chú trọng, nhiều dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho các khu, cụm công nghiệp đã triển khai.
Trong số 24 khu công nghiệp đi vào hoạt động, có 20 khu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 3 khu đang xây dựng, đạt tỷ lệ 96%. Tỷ lệ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đấu nối nước thải về hệ thống xử lý tập trung đạt 92%, trong đó nhiều khu đạt 100% nên tình hình ô nhiễm môi trường của các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp đã được khống chế, chất lượng môi trường ở những khu vực này được cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp, nhất là hệ thống thoát nước chưa được xây dựng một cách đồng bộ, nước thải của một số khu công nghiệp không có chỗ thoát làm gia tăng thêm những điểm “nóng” về môi trường; tình trạng ô nhiễm còn xảy ra ở một số khu vực có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị nhanh như khu vực kênh Ba Bò, suối Bưng Cù, suối Siệp...
Chất lượng nước đầu vào ở các khu, cụm công nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên một số khu công nghiệp nhiều khi chưa xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, tỷ lệ các khu công nghiệp còn thải nước thải vượt quy chuẩn cho phép khoảng 38%. Trong 8 cụm công nghiệp đã hình thành, chỉ mới có cụm công nghiệp Thành Phố Đẹp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Hầu hết các doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp chủ yếu xử lý nước thải trong nhà máy, rồi thải vào hệ thống thoát chung của cụm; 20% cơ sở nằm ngoài cụm công nghiệp xử lý nước thải đạt hiệu quả. Thực trạng này một mặt ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Bình Dương, mặt khác làm phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về môi trường giữa cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư. Chưa kể những doanh nghiệp nằm gần hoặc đan xen trong khu dân cư chưa thu gom và xử lý triệt để khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân xung quanh.
Đặc biệt, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn Bình Dương mỗi ngày lên tới 883 tấn, trong đó lượng chất thải nguy hại 169 tấn. Song các chủ nguồn thải đăng ký nguồn thải chỉ mang tính chất đối phó khi bị thanh tra, kiểm tra. Việc phân loại chất thải nguy hại tại nguồn tiến hành theo kiểu “gặp chăng hay chớ”, các quy định về lưu chứa, thu gom vận chuyển chưa được quan tâm. Việc lựa chọn đơn vị xử lý vẫn dựa trên tiêu chí đơn giá, rất ít doanh nghiệp quan tâm đến việc giám sát khâu này. Đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe của người lao động hiện nay ở Bình Dương.