Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nghệ An: Có người trả tiền cho người dân phá rừng?

(16:12:50 PM 19/06/2013)
(Tin Môi Trường) - Theo những người dân trực tiếp vào phá rừng, họ chỉ chặt cây nhỏ, còn cây to là do người của lâm trường Cô Ba chặt hạ.

Dân chặt cây nhỏ, lâm trường chặt cây lớn?

 

Trong 4 ngày từ 8-12/6 đã có hàng nghìn người dân của 16/17 bản ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An kéo nhau vào rừng do lâm trường Cô Ba quản lý để chặt phá rừng, chia đất. Theo tính toán của lâm trường đã có khoảng 60ha rừng bị chặt phá, khoảng 500ha rừng bị xâm hại.

Những ngày sau đó vẫn có người dân vào rừng chặt phá, chia đất nhưng không rầm rộ như những người trước đó.

Theo tờ Dân trí, mặc dù đây là khu vực được xem là nghèo kiệt nhưng theo ghi nhận thì rất nhiều cây gỗ tự nhiên có tuổi từ 15 đến 20 năm tuổi đang bị đốn hạ, cắt khúc.

 

hang-ngan-nguoi-vao-rung-pha-rung-chia-dat-nghe-an-Baodatviet.vn.jpg
Người dân xã Châu Bình nói rằng, họ chỉ chặt cây nhỏ, còn cây to là do người của lâm trường Cô Ba khai thác. Ảnh: TTO.

 

Nói về lý do phá rừng, người dân viện dẫn do thiếu đất sản xuất, từ trước tới nay người dân chỉ đi làm thuê thời vụ cho lâm trường để kiếm ngày 80 - 100 nghìn đồng. Một số diện tích đất trồng lùa ít ỏi thì thiếu nước vì lâm trường phát rừng, nguồn nước cạn kiệt nên đành bỏ hoang.

Trong buổi làm việc với UBND xã Châu Bình và lâm trường Cô Ba ngày 11/6, trong phần kết luận buổi họp của mình, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu - Trần Văn Chương đã đề cập tới việc nhân dân xã Châu Bình vào rừng phá rừng là vì nghe theo một số phần tử xấu tung tin. Thậm chí, một số  kẻ cầm đầu đã chi tiền vận động nhân dân vào phá rừng của lâm trường Cô Ba để chia đất.

Ngày 13/6, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã về xã Châu Bình để kiểm tra thực tế, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra cần nhanh chóng, tìm ra nhưng kẻ đứng đầu xúi dục nhân dân phá và chiếm đất rừng trái pháp luật để xử lý.

Hồi tháng 5/2011, dư luận cũng xôn xao khi một số cán bộ Công ty lâm nghiệp Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã bỏ tiền thuê lâm tặc vào rừng do công ty quản lý để chặt phá rừng, khai thác gỗ. Mỗi ngày một lâm tặc được trả công 200 nghìn đồng.

Không chỉ tại Nghệ An, mà rừng trên cả nước đang hằng ngày bị “gặm nhấm” dưới nhiều hình thức, từ lâm tặc tới các dự án khai thác, làm thủy điện, trồng cây… đặc biệt là khu vực Tây Nguyên – nơi có diện tích rừng lớn nhất nước.

Hôm 11/6, tờ Thanh Niên, phản ánh tình trạng lâm tặc tiếp tục đốn hạ hàng trăm cây thông ba lá lâu năm tại khu vực rừng phòng hộ tiếp giáp TP. Đà Lạt (tiểu khu 143, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim, nằm trên địa bàn xã Đã Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).

Những cây thông dài trên 20 mét bị đốn ngã, nằm ngổn ngang giữa rừng. Có những gốc thông đường kính từ 50 - 80 cm còn ứa nhựa tươi.

Những người dân làm vườn gần đó cho biết, tình trạng đốn hạ thông tại khoảnh rừng này diễn ra từ nhiều tháng qua, lần gần nhất cách đây 1 tuần. Mỗi khi thấy lâm tặc mang cưa tay và cưa máy vào triệt hạ thông, người dân đều báo cho Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đarahoa (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim) nằm cách hiện trường khoảng 2,5 km. Nhưng rồi cây vẫn bị đốn, kiểm lâm vẫn không biết thủ phạm là ai.

Khu vực rừng bị phá trước đây do Công ty An Việt MiNa được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư để trồng nấm.

Ngay trong TP. Đà Lạt tình trạng thông bị chặt phá cũng đang “âm thầm” diễn ra, nhưng chưa có ai bị xử lý. Hơn 5 năm qua đã có hơn 250ha rừng thông Đà Lạt bị phá, số còn lại cũng bị tỉa thưa dần. Một số vụ phá rừng đã truy tố hình sự hẳn hoi, nhưng sau đó lại rơi vào im lặng một cách… khó hiểu.

Rừng bị phá hầu hết đều thuộc diện tích đã được giao cho các doanh nghiệp để thực hiện các dự án khác nhau. Nhưng dự án thì chưa thấy, chỉ thấy cây bị chặt.

Đại gia lợi dụng dân để phá rừng

Trong một lần trả lời báo chí gần đây, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật VN) đã thẳng thắn chỉ ra những “chiêu trò” của các đại gia để phá rừng, lấy gỗ, chiếm đất.

GS. Nguyễn Ngọc Lung kể: Trước đây, các đại gia Sài Gòn để lấy được đất rừng họ thực hiện như sau: Họ lợi dụng chính sách ưu tiên của nhà nước với người dân tộc (cụ thể là dân tộc Thượng phá rừng thì không bị phạt), các đại gia này đã tìm cách tiếp cận với người Thượng, cho họ ít tiền để họ chặt rừng đốt rẫy, trồng vài trăm cây điều, rồi bán nương điều này cho chính đại gia đó để họ công khai trồng cà phê. Đại gia lại tiếp tục cấp tiền, cấp giống rồi tiếp tục đầy lùi họ vào rừng sâu, tiếp tục phá, tiếp tục lấy đất...

Đó chính là cách ban đầu để các đại gia này hợp pháp hóa lấy đất rừng để trồng cà phê.

 

gs-ts-nguyen-ngoc-lung-Baodatviet.vn
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung.

 

Sau này, người dân tộc không được phá rừng nữa, rừng được giao cho bản làng, già làng quản lý. Các già làng, già bản sẽ phải khai báo cần bao nhiêu diện tích đất rừng để trồng điều sẽ được nhà nước cấp. Lúc này các đại gia lại áp dụng biện pháp chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Với những khu đất trống, đồi trọc mà bị bào mòn thì giá trị kinh tế không cao, nên các đại gia này muốn khai thác đất rừng, loại đất tốt nhất. Và họ tàn phá đất rừng này bằng cách cứ đẩy lùi người dân tộc vào sâu trong rừng rồi để họ khai hoang, sau đó lại mua lại với giá rất thấp.

Ngay ở Tây nguyên, từ năm 2007, Chính phủ cho phép lấy 100.000ha đất chưa sử dụng và chủ yếu là từ rừng tự nhiên nghèo để phát triển quy hoạch cao su. Sau 5 năm hàng trăm dự án đã được phê duyệt và triển khai, trong đó đa số chủ đầu tư là các đại gia chứ không phải Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.

Trong khi 1 dự án thuỷ điện chiếm 200-300 ha rừng được hàng vạn tiếng nói, hàng trăm tổ chức lên tiếng bảo vệ rừng, thế mà hàng trăm lần mất rừng tự nhiên cho cao su thì chỉ có Hội đồng đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường) bảo vệ .

Tháng 12/2011 chuyên gia Cục thẩm định và Hội đồng đánh giá tác động môi trường khảo sát, chỉ ra nhiều dự án chặt rừng tự nhiên nghèo để trồng cao su đã không thực hiện cam kết “bảo vệ môi trường” và nhất là “sử dụng lao động tại chỗ”, đến nỗi UBND tỉnh Đắc Lắc đã dừng chủ trương đầu tư 28 dự án.

Mục đích của người phá rừng không phải là phá môi trường để cho con người chết, mà chỉ vì một cái lợi trước mắt, chỉ vì mấy đồng bạc bỏ túi mà làm như vậy.

Theo LÊ VIỆT (ĐVO)