(Tin Môi Trường) - Trận giao đấu giữa đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam với CLB Arsenal (Anh) đang có nguy cơ bị hủy bỏ do phía Việt Nam không thương lượng được về giá thuê sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, cách đây khoảng một tháng (cuối tháng 5/2013), cổ động viên Arsenal đã gửi thư đề nghị CLB không duy trì mối quan hệ với đối tác ở Việt Nam có liên quan tới cáo buộc phá rừng. Điều này khiến người ta buộc phải nghĩ tới khả năng, trận đấu Arsenal - Việt Nam nếu bị hủy bỏ hẳn không chỉ vì rắc rối với sân Mỹ Đình.
Nhiều trang báo lớn của Anh như Daily Mail, Telegraph ngày 14/6, đã đưa tin về sự kiện chuyến du đấu của Arsenal sang Việt Nam vào mùa Hè năm nay đang đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ do ban tổ chức không thống nhất được phí sân bãi với ban quản lý sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Theo đó, ban quản lý sân Mỹ Đình (gồm 40.000 chỗ) đã ra giá 1,5 tỷ đồng (71.300 USD) để tổ chức trận đấu dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng bảy tới. Mức giá này cao gấp bảy lần so với các trận đấu trước đó của tuyển Việt Nam được tổ chức tại đây.
|
Trang Daily Mail đưa tin về những tranh cãi xung quanh giá thuê sân Mỹ Đình cho chuyến du đấu của CLB Arsenal tại Việt Nam |
Báo chí trong nước cũng nóng lên từng ngày xung quanh câu chuyện này. Từ phía ban tổ chức, ông Lê Hùng Dũng, phó chủ tịch VFF cho rằng “mức giá mà sân Mỹ Đình đòi hỏi là quá bất hợp lý” và “Hành động đẩy giá thuê sân lên con số 1,5 tỉ đồng là không fair play…không thể chấp nhận kiểu hét giá trên trời này!”
Theo chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, đơn vị đồng tài trợ cho chuyến du đấu của Arsenal tại Việt Nam thì việc CLB Arsenal lần đầu tiên sang Việt Nam là một sự kiện lớn. Nó là biểu hiện sinh động và cụ thể nhất cho chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ của đất nước ta với bạn bè quốc tế, trong đó có châu Âu.
Từ phía ban quản lý sân Mỹ Đình, ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc khu Liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình lại cho rằng : “Giá sân 1,5 tỷ cho trận Việt Nam-Arsenal không có gì ghê gớm”. Vị lãnh đạo này còn hạch toán chi tiết: “Chi phí cho trận đấu đã hết hơn 1 tỷ rồi. Chưa nói công tác duy tu bảo dưỡng một năm chưa tính đến, trong điều kiện ngân sách không còn bao cấp như xưa nữa.”
“Chúng tôi phải có nguồn chứ, mà nguồn thì có mỗi trận này, các trận khác toàn lỗ.” - ông Nghĩa nói thẳng. Bởi lẽ, ông đã tính toán BTC trận đấu bán vé lên đến 1,5 triệu đồng/1 chiếc, tính sơ qua nếu bán hết vé, BTC trận đấu đã có vài chục tỷ, đó là chưa kể đặt bảng quảng cáo, bản quyền truyền hình.
|
Ông Cấn Văn Nghĩa cho rằng "Giá sân 1,5 tỷ cho trận Việt Nam-Arsenal không có gì ghê gớm" |
Những tranh luận xung quanh vấn đề giá thuê sân Mỹ Đình giữa VFF, BTC trận đấu và BQLSVĐ Mỹ Đình và khả năng diễn ra trận đấu giữa CLB Arsenal - ĐTBĐQG Việt Nam khiến người hâm mộ đứng ngồi không yên. Càng ngày họ càng ít hi vọng được lần đầu tiên nhìn thấy những vận động viên hàng đầu thế giới bởi có vẻ như khó tìm được sự đồng thuận giữa ban tổ chức và những người được giao quản lý sân Mỹ Đình.
Tuy nhiên, một câu hỏi nữa cần được đặt ra là, phía CLB Arsenal có mặn mà tới Việt Nam nữa không, kể cả khi những lùm xùm sân cỏ đã được giải quyết êm thấm. Còn nhớ, cách đây khoảng một tháng (cuối tháng 5/2013), cổ động viên Arsenal đã gửi thư đề nghị CLB không duy trì mối quan hệ với đối tác ở Việt Nam có liên quan tới cáo buộc phá rừng ở các nước Đông Nam Á. Những cổ động viên của CLB này đã làm một bản kiến nghị dự định chuyển cho CEO của Arsenal, ông Ivan Gazidis, yêu cầu chấm dứt mọi quan hệ với CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Việt Nam.
Bản kiến nghị nêu rõ: “Chúng tôi yêu CLB bóng đá của chúng tôi, Arsenal FC. Nhưng việc tiếp tục duy trì mối quan hệ với HAGL, đối tác của CLB ở Việt Nam làm ô danh danh tiếng và truyền thống của CLB. HAGL đã bị phơi bày trước toàn thế giới về việc chiếm dụng đất ở Campuchia và Lào, đuổi nông dân ra khỏi đất của họ với số tiền đền bù ít ỏi hoặc không đền bù, và tàn phá môi trường. Họ đang sử dụng danh tiếng của Arsenal để làm vỏ bọc cho những hành vi ghê tởm của mình. Chúng ta có thể ngừng ngay việc này lại…Chấm dứt nỗi xấu hổ. Chấm dứt sự cộng tác. Giữ vững niềm kiêu hãnh.”
Phản ứng gay gắt trên bắt nguồn từ báo cáo công bố ngày 13/05/2013 của Global Witness cáo buộc hai công ty lớn của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai và Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG) đã thuê các vùng đất rộng lớn để trồng cao su tại Lào và Campuchia. Hai công ty trên có liên quan đến việc chặt đốn rừng trong và ngoài ranh giới nhượng quyền, qua việc liên kết với các ông trùm và viên chức địa phương, bên cạnh đó còn gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Trước đó Global Witness cũng đã từng có chiến dịch ngăn chặn hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp từ Campuchia sang Thái Lan nhằm tài trợ cho Khmer Đỏ. Chỉ trong vòng 6 tháng, Global Witness đã thuyết phục được các nhà chức trách hai nước này đóng cửa biên giới đường bộ và góp phần vào việc lật đổ tổ chức khủng bố tại Campuchia.
Cũng qua các cuộc điều tra cứng rắn của mình, Global Witness đã tác động trực tiếp đến hoạt động rút tiền của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) khỏi Campuchia năm 1996 do tình trạng tham nhũng trong ngành công nghiệp khai thác gỗ; khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc áp dụng lệnh trừng phạt quốc tế lên hoạt động xuất khẩu gỗ của chính quyền Tổng thống Liberia Charles Taylor năm 2003.
Phản bác lại bản báo cáo của Global Witness, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định: Các công ty thuộc HAGL hoạt động trồng cao su và mía đường tại Lào và Campuchia luôn tuân thủ pháp luật của các nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng. HAGL chưa bao giờ khai thác gỗ của Lào hay Campuchia kể cả khu vực nhượng quyền của HAGL.
Phía Chính phủ Lào và Campuchia cũng lên tiếng ủng hộ HAGL
Trả lời trên Đài RFA, ông Phay Siphan - Người phát ngôn Hội đồng Bộ Trưởng Campuchia nói: "Báo cáo của Global Witness nhằm mục đích sỉ nhục và cáo buộc Chính phủ. Campuchia không ngạc nhiên với báo cáo này vì Global Witness là một tổ chức bảo vệ môi trường đối lập.
Ông Khamphan Phommathat - Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapeu (tỉnh mà HAGL đầu tư lớn nhất tại Lào) cho biết: "Mỗi dự án của HAGL đều tạo ra những đột phá về cơ sở hạ tầng, công ăn việc làm, an sinh đối với người dân nơi đây. Khoảng vài năm gần đây, Attapeu thay đổi diện mạo từng ngày nhờ các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự có mặt của HAGL".