Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng ở Bình Định Tin ảnh

(14:54:33 PM 18/06/2013)
(Tin Môi Trường) - Các vụ vi phạm về bảo vệ rừng đã được giảm thiểu, hàng loạt hộ gia đình chuyên sống bằng nghề phá rừng đã chuyển đổi ngành nghề, rừng tự nhiên được bảo vệ nguyên vẹn, ngày càng phát triển… là thành quả sau nửa năm Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn (Bình Định) và UBND xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn triển khai thực hiện Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 98/2010 ngày 19/7/2010 giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phối hợp hoạt động giữa các lực lượng Dân quân tự vệ với Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác bảo vệ rừng.

Sắc xanh rừng cộng đồng


Giữa cái nắng hanh khô, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn (Bình Định) Nguyễn Hồng Tấn cùng đoàn kiểm tra nhanh nhẹn gạt những tán cây rậm rạp để lấy lối đi trong khu rừng cộng đồng thuộc địa bàn xã Hoài Đức. Ông Tấn nói: “Nhiệt độ trung bình tại huyện Hoài Nhơn thường cao hơn 1 – 2 độ C so với nhiệt độ trung bình của tỉnh Bình Định. Hiện nay, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình có khi lên tới 39 đến 40 độ C. Thời điểm cách đây nửa năm trở về trước, thời tiết này là rất khó khăn trong công tác bảo vệ rừng vậy nhưng giờ thì lực lượng Kiểm lâm tụi tôi không còn ngại nữa”.

 



Ảnh minh họa

 

Xã Hoài Đức có tổng diện tích rừng gần 3.500 ha; trong đó, rừng tự nhiên có hơn 2.100 ha. Trước đây, Hoài Đức là một trong những địa phương thường xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, đốt than, đào đãi vàng trái phép. Nhưng giờ đây, sau một buổi lặn lội vào những “điểm nóng” trước đây, chúng tôi tuyệt nhiên không tìm thấy cảnh phá rừng như trước. Các tầng cây đều được phủ dày, thảm thực vật trên mặt đất xanh rì ken dày với nhiều lớp lá dầu rái khô, những hố đào vàng cũng đã được san lấp tự nhiên.


Sau khi Bộ Quốc phòng cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch số 98/2010 ngày 19/7/2010 triển khai Nghị định 74 của Chính phủ, ngày 4/01/2013, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn cùng Dân quân tự vệ, Công an xã Hoài Đức đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng. Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức Trần Văn Thắm cho biết: “Từ ngày triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 98 đến nay, tình trạng phá rừng gần như chấm dứt. Nhiều người trước đây chuyên sống bằng "nghề"phá rừng, nay đã chuyển nghề sang hoặc chăn nuôi đại gia súc, nuôi vịt, buôn bán gỗ rừng trồng…


Giờ đây, tại khu vực rừng cộng đồng thuộc thôn Định Bình Nam, sức sống đã trỗi dậy. Ngay ở bìa rừng tự nhiên, những cột mốc ranh giới và những cây dầu rái nhỏ mới trồng làm lằn ranh giữa rừng trồng và rừng tự nhiên vẫn được đảm bảo tuyệt đối, không hề có dấu hiệu xâm hại nào kể cả để mở rộng rừng trồng kinh tế của người dân. Nhân viên Kiểm lâm địa bàn xã Hoài Đức, anh Trương Ngọc Nhuận nói: Khi chưa thực hiện quy chế phối hợp chúng tôi rất vất vả, người thì ít trong khi lâm tặc và nạn phá rừng thì nhiều. Ngay cả trạm gác rừng được xây dựng phục vụ công tác bảo vệ rừng nhiều năm trước, hằng ngày có đến 5 – 10 người ứng trực cũng rất lo ngại lâm tặc càn quấy. Nhưng giờ thì trạm đã bỏ, Trạm bảo vệ rừng cộng đồng được xây dựng bên ngoài vài kilomet, hằng ngày chỉ có 2 người trong đội 7 người ứng trực vẫn đảm bảo an toàn. Nếu có trường hợp vi phạm luật bảo vệ rừng thì việc triển khai lực lượng ngăn chặn cũng rất dễ dàng vì mọi việc đều đã được phân công tổ chức theo quy định của Thông tư liên tịch 98.


Từ khi có Qui chế phối hợp, hằng tháng lực lượng kiểm lâm, phối hợp cùng Ban quân sự, công an xã tổ chức tuần tra định kỳ các khu vực rừng tự nhiên trên địa bàn xã 2 lần. Mỗi lần như vậy lực lượng tuần tra có từ 17-20 người. Nếu có tin báo của quần chúng về các vụ việc vi phạm luật bảo vệ, phát triển rừng thì số lượng các đợt tuần tra trong tháng sẽ tăng lên. Qua gần 6 tháng thực hiện qui chế phối hợp, lực lượng liên ngành đã phát hiện 13 vụ việc vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng; trong đó, phần lớn các vụ việc chỉ là tranh chấp đất lâm nghiệp, chỉ có 3 vụ phá rừng quy mô rất nhỏ, so tỉ lệ thì chưa đến 10% so với nhiều năm trước đó.


  Cùng bảo vệ rừng


Rừng tự nhiên ở Hoài Đức đã được chuyển sang rừng cộng đồng, giao khoán bảo vệ cho người dân. Tuy nhiên, với định mức kinh phí eo hẹp cùng với nạn phá rừng gay gắt khiến công tác bảo vệ không được đảm bảo. Sau khi triển khai công tác phối hợp, việc tuyên truyền cho người dân về nguồn lợi từ rừng, cần phải bảo vệ rừng đã được thực hiện tốt hơn, sâu rộng hơn. Cạnh đó, với sự có mặt của lực lượng quân sự và Công an xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã phối hợp, những vụ chống đối lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cũng đã chấm dứt. Ông Nguyễn Châu Cầu, Trưởng công an xã Hoài Đức, nói: “Tại những buổi tuyên truyền, họp an ninh ở các thôn, xóm, ngoài việc chuyên môn của ngành, lực lượng công an xã còn tuyên truyền, giáo dục các đối tượng từng khai thác lâm sản trái phép và khuyên họ chuyển đổi nghề nghiệp.


Ông Nguyễn Hồng Tấn tính sơ, với việc không phá rừng như trước đây, hơn 600 hộ dân xã Hoài Đức bây giờ thu lợi từ các nguồn lợi dưới tán rừng hợp lý lên tới hơn 10 tỉ đồng mỗi năm. Không còn trường hợp làm giàu bất hợp pháp từ rừng như trước nhưng nếu tính bình quân, nguồn lợi từ rừng đem lại cho người dân nhiều hơn, còn rừng thì ngày càng phát triển, tái sinh. Với những hiệu quả đạt được trong một thời gian ngắn, xã Hoài Đức là điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng tại huyện Hoài Nhơn và cả tỉnh Bình Định.


Ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết: Quy chế phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, Ban Chỉ huy quân sự và công an xã trong công tác bảo vệ rừng được triển khai tại tất cả các xã, thị trấn có rừng ở huyện Hoài Nhơn. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình, các lực lượng này còn vận động, phối kết hợp với người dân tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong thời gian tới, từ điển hình Hoài Đức, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi đơn vị trong quá trình phối hợp công tác; tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên; thường xuyên trao đổi thông tin cơ sở, nắm chắc địa bàn quản lý nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa huyện.

(TTXVN)