* Nóng nhất vẫn là đền bù khi thu hồi. Lần này, giá đền bù sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Cơ bản là giá đền bù phải phù hợp với thị trường. Thị trường ở đây được hiểu là trong điều kiện ổn định, bình thường, loại bỏ yếu tố đầu cơ. Chúng ta sẽ có tổ chức tư vấn giá độc lập và trên cơ sở mức giá tư vấn này, UBND các địa phương quyết định mức giá phù hợp.
* Khung bảng giá và giá thị trường thường cách xa nhau, vậy hướng khắc phục thế nào, thưa ông?
- Thật ra, thị trường vừa qua không ổn định và “nóng” nên nếu bảo theo giá thị trường, trong khi thị trường đang bị đầu cơ thì không thể theo được. Sau bài học vừa rồi với thị trường bất động sản, các nhà đầu cơ sẽ thấy rằng không thể đầu cơ được.
* Theo ông, quy định về thu hồi đất trong luật có vênh so với dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đang xây dựng không?
- Theo tôi, không vênh gì cả. Hiện có ý kiến cho rằng sau khi thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi thì mới thông qua Luật Đất đai sửa đổi nhưng tôi đề nghị QH nên thông qua tại kỳ họp này.
* Dự thảo Hiến pháp mới nhất không đề cập việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế - xã hội nhưng Luật Đất đai sửa đổi lại đưa các dự án này về các nhóm phục vụ an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng… Liệu đây có phải là một cách lách?
- Không lách gì cả vì thuộc thẩm quyền của luật, Hiến pháp chỉ đề cập những vấn đề chung.
* Nhưng rõ ràng là khó tách bạch giữa dự án thuần túy kinh tế với dự án kinh tế có yếu tố xã hội, thưa ông?
- Danh mục các dự án kinh tế - xã hội đã nêu đầy đủ. Luật cũng sẽ nêu. Ví dụ: Dự án lớn của nhà nước như khu kinh tế, KCN… thì nhà nước thu hồi. Những dự án nếu không vào KCN thì chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân.
* Cơ chế thỏa thuận đang đặt ra nhiều vấn đề, chúng ta đã có lúc dừng thực hiện cơ chế này, nay áp dụng thì lợi - hại của nó như thế nào?
- Cơ chế thỏa thuận thì doanh nghiệp kêu vì như vậy là khó khăn. Tuy nhiên, cái lợi ở đây là người dân được.
* Việc cần sửa đổi hàng đầu là giảm khiếu kiện và chống lợi ích nhóm, dự luật có tập trung xử lý những vấn đề này?
- Luật sẽ giải quyết hợp lý vấn đề thu hồi đất, khắc phục sự tùy tiện và giải quyết việc cấp sổ đỏ. Đây là những việc liên quan đến quyền lợi người dân. Tuy nhiên, việc cấp sổ đỏ đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí nhưng đúng là cấp sổ đỏ thì sẽ quản lý được việc chuyển nhượng, mua bán đất. Vừa rồi có khiếu kiện đất đai nhiều là do việc mua bán, chuyển nhượng không có xác nhận thông qua sổ đỏ.
Thông qua nhiều dự luật
Theo tin từ Văn phòng QH, từ ngày 17 đến 21-6, QH sẽ bước sang tuần làm việc thứ 5 và cũng là tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp lần này với việc thông qua hàng loạt dự luật quan trọng.
Trong ngày 17-6, QH sẽ dành một ngày để nghe và thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và dự kiến QH biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 21-6.
Ngoài ra, QH sẽ biểu quyết thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Luật Phòng chống khủng bố; Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp.Trong tuần làm việc cuối, QH thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014; Nghị quyết về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào (nếu có); Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH; Nghị quyết về giám sát chuyên đề; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (nếu có). QH cũng thảo luận dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Việc làm; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
T.Dũng |