Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
* Không thiếu điểm đến
Với hơn 3.200km bờ biển cùng rất nhiều vịnh đẹp nổi tiếng trên thế giới, như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô... và không ít đảo đẹp, lại nằm trong vùng có khí hậu khá ổn định, nên Việt Nam dễ dàng được đưa vào hải trình của các hãng tàu biển du lịch quốc tế mỗi khi đến khu vực Châu Á. Hầu hết các hải trình liên tuyến đến Hồng Công, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á hoặc ngược lại, đều có thể ghé qua Việt Nam. Kể từ khi những chuyến tàu biển đầu tiên mang tính thăm dò trong những năm đầu của thập niên 90 ở thế kỷ trước, sau đó các hãng tàu biển quốc tế bắt đầu quan tâm gửi khách vào Việt Nam, thì số lượng khách theo tàu biển “đổ bộ” vào những điểm du lịch lớn của nước ta đạt trên 200.000 lượt mỗi năm. Điểm nhấn trong sự kiện này, đó là vào năm 1999, lần đầu tiên tàu 5 sao Super Star Leo của Hãng tàu Star Cruises có sức chở 3.000 du khách, cập cảng Sài Gòn, ngành du lịch tàu biển tại Việt Nam dường như đã được thiết lập một cách chắc chắn.
Kể từ đó, những chuyến tàu biển của các hãng tàu quốc tế tên tuổi đã nghiễm nhiên đưa một số điểm đến vào hành trình của họ, như vịnh Hạ Long- nơi hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, hay vịnh Nha Trang- là một trong những vịnh đẹp nhất toàn cầu; hoặc Thành phố Hồ Chí Minh- một đô thị lớn nhất Việt Nam, năng động và toả sáng...
Ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist- một trong đơn vị đang “ăn nên, làm ra” về du lịch lữ hành, chia sẻ: “Du lịch tàu biển hiện nay đang là một trong những mảng kinh doanh có sự tăng trưởng ổn định, đạt hiệu quả cao, không ngừng được đầu tư và mở rộng trên cả hai mặt hoạt động, gồm đại lý du lịch và đại lý hàng hải”. Ông Vũ dẫn chứng bằng những số liệu thực tế: năm 2011, Saigontourist đón 62 chuyến tàu biển đến Việt Nam từ các hãng du lịch tàu biển lớn, như: Star Cuises, Costa Cuises, Hapag Lloyd Cuises..., thì năm 2012 công ty đã đón 96 chuyến tàu với hơn 175.000 lượt du khách. Riêng 5 tháng đầu năm nay, Saigontourist đón trên 80 chuyến tàu với 112 lượt cập các cảng như Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Sài Gòn... qua đó phục vụ hơn 162.000 lượt khách và thuyền viên. Để tạo sự vững chắc cho các hoạt động của Công ty tại điểm dừng chân của các chuyến tàu biển đến Nha Trang, mới đây, Saigontourist đã khai trương một chi nhánh tại thành phố biển thơ mộng này.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Đà Nẵng, cho hay: Năm nay Đà Nẵng dự kiến đón 63 chuyến tàu biển du lịch quốc tế với khoảng 70.000 lượt du khách ghé thăm. Nhưng nếu tàu chỉ đến và đi trong ngày thì thật sự lãng phí. Đà Nẵng là nơi tàu biển cao cấp 5 sao quốc tế Super Star Aquaris sau vài lần ghé đến, họ đã đưa điểm này vào định tuyến Hải Nam- Hạ Long- Đà Nẵng vào năm 2011 với mỗi tuần một chuyến, đầu năm nay đã tăng lên 2 chuyến/ tuần. Đà Nẵng đang tìm cách để “xây dựng lòng tin” bằng các sản phẩm thiết thực, đáp ứng các yêu cầu thưởng thức, trải nghiệm của du khách để tàu này lưu lại qua đêm.
Khi bàn về phát triển du lịch tàu biển Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, nhấn mạnh: Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đề ra yêu cầu phải tập trung ưu tiên phát triển du lịch biển, phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch biển về nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh biển, trong đó du lịch tàu biển là một vấn đề đang được ngành du lịch Việt Nam chú trọng, các địa phương có tiềm năng cũng thật sự quan tâm.
* Còn nhiều bất cập
Năm 2012, Việt Nam đón trên 285.000 lượt du khách theo tàu biển. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, từ 4 - 5% so với tổng số khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm. Theo số liệu thống kê từ năm 1999 đến nay, có nhiều thời điểm lượng du khách tàu biển giảm nghiêm trọng, ngoài yếu tố do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phải kể đến những bất cập, hạn chế đang tồn tại ở những điểm tàu cập cảng ghé thăm, nơi đó chưa tạo được sức hút cho các hãng du lịch tàu biển cũng như du khách tìm đến.
Điều thật sự gây bất ngờ, đó là cả nước hiện chưa có cảng du lịch chuyên dụng, hầu hết việc đón khách tàu biển phải sử dụng bến bãi cảng hàng hóa tổng hợp làm nơi... đón khách. Chưa có nhà ga, cơ sở hạ tầng của cảng không đồng bộ, chất lượng dịch vụ tại cảng chưa cao; nhiều nơi không đủ năng lực để tàu lớn cập cảng, phải neo đậu ngoài xa sau đó dùng tàu nhỏ vận chuyển khách vào bờ.
Đơn cử cảng biển Nha Trang, kể từ năm 2008 đến nay, số lượng tàu biển cập cảng này và số du khách tăng mạnh, năm ngoái đón gần 40.000 lượt. Tuy nhiên, sau khi mất khá nhiều thời gian cho chặng đường trung chuyển bằng tàu nhỏ từ xa vào, không ít lần du khách tàu biển được “đón tiếp” trong bộn bề hàng hóa: xi măng, lương thực... của cảng biển Nha Trang. Cả chính quyền địa phương và ngành du lịch Khánh Hòa thấy được điều đó, nhưng muốn cải thiện, họ đã mất thời gian khá dài để kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Vinalines chuyển giao cảng Nha Trang về cho Khánh Hòa quản lý, đầu tư và khai thác theo hướng chuyên phục vụ cho du lịch. Dù được đồng ý về chủ trương, nhưng để điều này thành hiện thực, du khách tàu biển vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa. Và khi đó, cảng Nha Trang mới là cảng biển đầu tiên của cả nước dành riêng cho du lịch.
Nhiều hãng tàu đã lên tiếng phàn nàn về sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện còn thiếu tính đa dạng, môi trường biển bị ô nhiễm; tình trạng chèo kéo, bán hàng rong vẫn còn phổ biến... Theo đại diện Cơ quan Du lịch quốc gia Singapore, khuynh hướng du lịch tàu biển tại Châu Á và toàn cầu đang gia tăng, có 25 tàu biển đang trong quá trình đóng mới, trị giá hơn 16 tỷ USD, nâng sức chứa lên 15% số lượng khách (giai đoạn 2013- 2017). Đây là cơ hội cho Việt Nam cũng như các nước có biển ở ASEAN. Nhưng muốn thực sự trở thành điểm đến, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng cần nhanh chóng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch tàu biển, tiếp tục cải tiến thủ tục hải quan, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá nhiều hơn...
Việt Nam đã làm được một số việc để cải thiện hình ảnh cho du lịch tàu biển quốc tế. Theo đại tá Nguyễn Ngọc Cử, Phó Cục trưởng Cục cửa khẩu- Bộ Tư lệnh Bội đội Biên phòng: Những năm gần đây, lực lượng biên phòng đã có nhiều cố gắng cải tiến quy trình tác nghiệp, đổi mới phương pháp làm việc theo hướng hiện đại thủ tục hành chính. Nhờ vậy đã rút ngắn thời gian làm thủ tục cho du khách lên bờ. Nếu trước đây phải mất từ 1- 3 giờ từ lúc tàu cập cảng, du khách mới có thể rời tàu, thì nay chỉ mất từ 10- 20 phút do thủ tục đã hoàn thành trước khi tàu vào cảng. Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra khách lên xuống tàu cũng được rút ngắn còn khoảng 20- 30 giây/ khách so với 2- 3 phút trước đây.
Từ khi khái niệm “Du lịch tàu biển” xuất hiện trên thế giới vào thế kỷ thứ XIX, loại hình du lịch này đã trở thành mốt thời thượng cho du khách. Hơn một thế kỷ qua, lượng khách du lịch tàu biển trên thế giới tăng vượt bậc và thời gian gần đây được đánh giá là đỉnh điểm. Nếu năm 1997, thế giới có gần 6,8 triệu lượt du khách tàu biển thì năm 2013 này, con số nói trên ước tăng lên hơn 20 triệu lượt. Khi đã xác định được tiềm năng của mình và thời cơ của trào lưu du lịch tàu biển mang lại, Việt Nam cần nhanh chóng tự cải thiện để tạo được sự bứt phá, hình thành những điểm đến hấp dẫn cho tàu du lịch biển đi theo dọc chiều dài duyên hải của đất nước.