Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người trồng chè đầu tiên trên đất Quảng Chu
Con đường trải nhựa đủ rộng để xe ô tô đến tận thôn dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Đình Trọng, thôn Đèo Vai II, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới. Ông Trọng được biết đến là người trồng chè nhiều nhất và cũng là người đầu tiên đưa cây chè về trồng trên đất Quảng Chu. Ngôi nhà của ông tọa lạc giữa những đồi chè xanh mơn mởn. Ngồi nhâm nhi chén trà thơm ngon, đặc sánh, sản phẩm do chính gia đình làm ra, ông Trọng kể: Quê ở tận Hải Hậu ( Nam Định), lên lập nghiệp tại đây đã hơn 30 năm. Ngày ấy kinh tế khó khăn, ruộng ít, nhà lại đông anh em, cuộc sống chỉ trông vào cây lúa, thiếu thốn đủ bề, vì vậy ông luôn có ước vọng muốn đến một nơi khác có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi để lập nghiệp. Trong một lần đi thăm người em trai ở Lâm trường Bạch Thông (nay là Chợ Mới) cảm thấy vùng đất này đất đai trù phú, dễ làm ăn nên ông đã quyết định lấy vợ và định cư tại đây.
Ngày ấy, ở vùng đất Quảng Chu là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Thái (cũ), đường sá không có, dân trí thấp, đất ruộng ít, đất núi, đồi là chính. Trai quê vốn dĩ cần cù, chịu khó cộng với chí hướng quyết tâm làm giàu, thấy đất rộng đã là quý, ông Trọng lao vào công việc khai hoang phục hóa. Đến bây giờ ông Trọng cũng không thể nghĩ được rằng mình có một sức khỏe phi thường đến như vậy. Có những hôm ông làm việc cả ngày lẫn đêm. Khai hoang đến đâu, ông Trọng lại mua hom mía về trồng, được vài năm ông thấy cây mía tuy cho hiệu quả về kinh tế nhưng chăm bón và thu hoạch rất vất vả.
Sau một thời gian trăn trở để chuyển đổi cây trồng, năm 1990 ông quyết định trồng chè. Ông Trọng có suy nghĩ rất mộc mạc: "Cũng cùng một dải đất giáp với tỉnh Thái Nguyên, vùng chè nổi tiếng của cả nước, tại sao Quảng Chu lại không trồng chè? Vả lại cây chè chỉ trồng một lần lại cho thu hoạch nhiều năm, sản phẩm đem bán rất nhẹ nhàng, chỉ mang một ki lô gam chè ra chợ bán cũng có giá trị bằng một gánh rau". Suy nghĩ đó, ông đã lặn lội xuống tận xã Tức Tranh, huyện Phú Lương để mua hạt chè về trồng. Để có tiền mua hạt chè, ông Trọng đã lấy nứa rồi xuôi mảng về xuôi bán, được bao nhiêu tiền ông dồn mua hạt chè giống hết. Cùng với diện tích trồng mía, ông vỡ thêm đất đai, cứ vỡ đến đâu, ông Trọng lại mua hạt chè về trồng, cho đến bây giờ ông cũng không biết diện tích chè ông bỏ công ra trồng được bao nhiêu héc ta. Ông tính diện tích chè bằng "quả đồi". Hiện giờ ông có hơn 2 đồi chè; tuổi của những cây chè đã được 20 năm nhưng cây chỉ cao đến ngang ngực người và tán xòe rộng. Từ nhiều năm nay nguồn thu nhập chính của gia đình ông đều trông vào cây chè, từ việc làm nhà đến nuôi 8 người con khôn lớn.
Cây kinh tế mũi nhọn
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Chu, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Những năm gần đây, huyện Chợ Mới và xã Quảng Chu xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn trồng trên vùng đất này. Vì vậy, nhiều hộ dân trong xã được hỗ trợ thực hiện dự án chuyển đổi diện tích chè trung du lá nhỏ sang trồng chè cành, vì chè cành có ưu điểm lá dày, sao dôi; kháng sâu bệnh tốt và giá bán cũng cao hơn chè trung du lá nhỏ.
Huyện ủy Chợ Mới đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HU ngày 30/11/2002 về phát triển kinh tế vùng, với thế mạnh sẵn có, Quảng Chu đã từng bước thực hiện có hiệu quả việc đầu tư, khai thác và mở rộng diện tích chè trung du. Sau gần 10 năm đẩy mạnh Nghị quyết phát triển kinh tế vùng, diện tích trồng chè của Quảng Chu đã tăng lên rõ rệt. Trước khi chưa có Nghị quyết, toàn xã chỉ có khoảng 100ha chè trung du, đến nay diện tích chè của xã lên tới 155,7ha (gồm 119ha chè trung du và 36,7ha chè cành). Năm 2003, xã được huyện hỗ trợ triển khai mô hình trồng chè chất lượng cao với giống chè lai 1, lai 2. Đến năm 2010, xã tiếp tục thực hiện mô hình trồng chè Phúc Vân Tiên- một giống chè cho năng suất và chất lượng cao.
Đi thăm một số gia đình trồng chè nơi đây, chúng tôi thấy cây chè đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Gia đình chị Bế Thị Oanh, thôn Làng Chẽ trồng chè từ năm 1993, đến năm 2002, gia đình chị được Dự án Việt - Nhật và Nhà máy chè Sông Cầu giúp đỡ hỗ trợ giống và kỹ thuật đã trồng thêm 4.000 m2 chè cành. Hiện nay cả diện tích chè trung du lá nhỏ và diện tích chè cành, tổng cộng gia đình chị có 6.000 m2 chè. Mỗi lứa chị thu hoạch từ 40 - 50 ki lô gam chè khô; mỗi vụ chè thu khoảng 60 đến 70 triệu đồng.
Gia đình chị Bùi Thị Nga, thôn Đèo Vai II cũng trồng 5.000 m2 chè. Trước kia toàn bộ diện tích trên được chị trồng chè trung du lá nhỏ, nhưng nay chuyển sang trồng toàn bộ chè cành. Mỗi lứa cũng thu về khoảng 70 ki lô gam chè khô.
Người dân nơi đây cho biết: Cứ bước vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 trở đi là Quảng Chu bắt đầu thu hoạch vụ chè mới, những người buôn chè từ các tỉnh lại tìm đến mua chè Quảng Chu. Những gia đình nào có nhiều nhân công thì chế biến sao khô bán, những gia đình nào neo người không sao được thì bán chè tươi. Năm nay, giá chè khô ở mức từ 120.000 - 150.000 đ/kg, chè tươi bán với giá 20.000 – 25.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm: Với ưu thế về thổ nhưỡng, khí hậu và người nông dân trồng chè năng động, sáng tạo, kịp thời nắm bắt, ứng dụng khoa học kỹ thật vào trồng chè nên Đảng bộ xã Quảng Chu tiếp tục có chủ trương mở rộng diện tích chè bằng cải tạo giống chè trung du và mở thêm diện tích chè cành khoảng 15 ha mỗi năm.