Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Để tạo nên phong trào bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư ở địa phương, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa in ấn, phát hành 7.000 thư kêu gọi, 340.000 bản cam kết, 700 cuốn Luật Môi trường, 10.000 tờ rơi và các biểu mẫu khảo sát để phục vụ cho công tác tuyên truyền, động viên, tổ chức các phong trào cơ sở; đồng thời hướng dẫn tổ chức Mặt trận tổ quốc các cấp chỉ đạo cơ sở tổ chức đăng ký cam kết công tác bảo vệ môi trường đến từng hộ dân cư trên địa bàn khu dân cư. Trong 2 năm (2011-2012), Mặt trận tổ quốc Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 411 triệu đồng để tiến hành xây dựng mô hình điểm tại 29 điểm dân cư tại các xã, phường, thị trấn.
Trên cơ sở thành công của các mô hình điểm, Thanh Hóa xây dựng và nhân rộng phong trào “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp”, “Xã phường an toàn và trong sạch môi trường” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Trong đó đầu mối tổ chức triển khai là Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, mà lực lượng cốt cán là hội viên Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên cùng với tổ an ninh xã hội thôn tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công, tiền của để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; phát triển hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư; hình thành nếp sống, thói quen và ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường trong nhân dân.
Đối với các khu dân cư đô thị và đồng bằng, Ban công tác Mặt trận huy động các nguồn vốn vận động người dân bê tông hóa, nhựa hóa các tuyên đường dân sinh, xây dựng cống rãnh thoát nước, các bãi chứa rác thải, làm nhà vệ sinh tự hoại, bể nước sạch; đào hố rác trong khuôn viên gia đình để xử lý chất thải tại chỗ. Còn ở các huyện miền núi tổ chức cho nhân dân thực hiện phong trào trồng rừng; đấu tranh ngăn chặn, hạn chế tình trạng chặt phá rừng; tập huấn cho người dân công tác phòng, chống cháy rừng, chống xói mòn, lở đất.
Riêng các huyện đồng bằng ven biển tập trung vận động nhân dân thực hiện đúng các quy trình, quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, trồng rừng chắn sóng, thu gom xử lý chất thải ven bờ biển. Qua thực hiện Chương trình trồng rừng ngập mặn và rừng phòng hộ, các xã ven biển của Thanh Hóa đã trồng mới gần 1.700 ha rừng, tập trung ở các các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Tĩnh Gia, góp phần bảo vệ hệ thống đê biển, điều hòa khí hậu, môi trường và sinh thái biển, tạo nguồn lợi lớn cho đời sống và sản xuất của người dân ở các khu vực này. Qua thực tế đã hình thành nên nhiều mô hình, cách làm hay ở các xã, khu dân cư trong việc vận động người dân trồng rừng ngập mặn, rừng chắn sóng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, như xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Hưng Lộc thuộc huyện Hậu Lộc; xã Quang Lợi của huyện Quảng Xương; các xã, phường thị xã Sầm Sơn với mô hình trồng rừng phi lao chắn cát bay, cát chạy...
Từ 29 mô hình thí điểm, đến nay Thanh Hóa đã xây dựng được trên 21.600 tổ tự quản bảo vệ môi trường ở các thôn, bản. Tiêu biểu như các huyện Cẩm Thủy, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, TP.Thanh Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Thọ Xuân, Yên Định...Trong đó huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng và triển khai Đề án “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” trên địa bàn toàn huyện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 2 năm (2011-2012), các tổ tự quản trên địa bàn tỉnh đã thu gom, xử lý được 27.860 tấn rác thải với 18.250 người tham gia, treo 4.250 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường. Hàng năm, công tác bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét công nhận Khu dân cư văn hóa, Gia đình văn hóa vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết (18/11), cũng như việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tiến hành khảo sát để đánh giá lại những kết quả đạt được, cũng như bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư, để hướng dẫn Ban điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các cấp phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc duy trì, tiếp tục nhân rộng mô hình này; đồng thời sẽ hỗ trợ tăng kinh phí mở rộng hơn nữa điểm chỉ đạo thực hiện Chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường ở các cấp.