Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh không ngừng nâng cao đời sống văn hóa cho cư dân vùng ven biển và hải đảo.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa,” tỉnh đẩy mạnh đưa văn hóa về cơ sở, xây dựng gia đình, khu dân cư, xóm ấp văn hóa ở các vùng nông thôn ven biển và hải đảo gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh trong nhân dân.
Lễ rước trên biển trong Lễ hội cầu ngư
Ông Đặng Tùng Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải cho biết phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được cư dân trên xã đảo đồng tình hưởng ứng. Xã đã đạt chuẩn văn hóa và hiện có gần 1.300 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88,3%.
Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, hiệu quả với hình thức các câu lạc bộ như dưỡng sinh, bóng đá, bóng chuyền, đờn ca tài tử. Hàng năm, xã tổ chức các hoạt động này với nhiều hình thức phong phú, sôi nổi chào mừng các ngày lễ, Tết, những sự kiện chính trị của đất nước, nhất là các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân...
Thực hiện việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ven biển và hải đảo, tỉnh Kiên Giang tăng cường đẩy mạnh việc luân chuyển đưa sách về cơ sở, cơ bản đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc của nhân dân, tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào các vùng biên giới, hải đảo.
Đoàn Nghệ thuật Khmer, các đội thông tin lưu động của tỉnh tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân xã ven biển, xã đảo lồng ghép với việc tuyên truyền về chủ trương xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động nhân dân phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, an ninh biên giới biển đảo. Hầu hết hộ gia đình xã, phường ven biển, hải đảo có phương tiện nghe nhìn để theo dõi chương trình thời sự của đài trung ương và địa phương. Những trạm truyền thanh xã, phường với hệ thống loa truyền thanh đến xóm ấp duy trì tốt lịch tiếp sóng phát thanh cung cấp kịp thời thông tin thời sự đến nhân dân.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang, những loại hình văn hóa đặc sắc của dân cư ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh như lễ hội cầu ngư ở Phú Quốc, Nghinh ông ở Kiên Hải, Kỳ Yên ở An Biên và nhiều lễ hội truyền thống khác được bảo tồn và phát huy giá trị, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và môi trường văn hóa xã, thôn theo Tiêu chí xây dựng nông thôn mới được thực hiện quyết liệt, khẳng định vai trò thiết yếu của hệ thống nhà văn hóa trong đời sống, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân vùng biên giới, biển đảo.
Thông qua các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, cuộc sống cư dân vùng biển đảo đã được nâng lên, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; qua đó, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, những hủ tục lạc hậu… giúp cho cư dân vùng biển có đời sống kinh tế, văn hóa phát triển, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
Việc nâng cao đời sống văn hóa cư dân vùng ven biển và hải đảo đã góp phần phát triển mạnh kinh tế biển đảo của tỉnh Kiên Giang. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2008-2012 trên địa bàn tỉnh đạt 12,4%/năm; trong đó công nghiệp chế biến tăng 12%, khai thác thủy hải sản tăng 10%, dịch vụ cảng biển và vận tải biển tăng 15%.
Riêng năm 2012, giá trị tăng thêm của ngành kinh tế biển là 51.784 tỷ đồng, chiếm 70% GDP của tỉnh. Kết quả này góp phần đáng kể vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 11,8%, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Từ nay đến năm 2015 và 2020, tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng địa bàn ven biển và hải đảo.
Theo đó, tỉnh đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao xã, nhà văn hóa ấp ở những địa bàn ven biển, hải đảo; nâng quy mô một số lễ hội của địa phương trở thành lễ hội cấp tỉnh và khu vực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực văn hóa ở cơ sở; xây dựng, tổ chức bộ máy hoạt động của trung tâm văn hóa-thể thao xã phù hợp với tình hình phát triển của địa phương; đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa như trạm truyền thanh, phòng đọc sách, nhà truyền thống… nhằm tăng mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân vùng ven biển, hải đảo.