Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rừng đầu nguồn hồ Khe Chung (tại vùng khe Hóc Chòi), xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An có diện tích 400 ha giáp ranh với rừng của xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Hồ Khe Chung là hồ duy nhất cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho toàn bộ hơn 360 ha lúa và hoa màu tại xã Tào Sơn. Lợi dụng việc giáp ranh giữa hai địa phương, việc phân định ranh giới theo bản đồ địa chính chưa được rõ ràng, một số người dân xã Giang sơn Tây đã lấn chiếm đất, đốt phá rừng tự nhiên đầu nguồn Khe Chung để trồng tràm, sắn dẫn tới tình trạng ngày càng cạn kiệt nước trong lòng hồ Khe Chung. Việc này khiến cho người dân vô cùng bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân xã Tào Sơn cũng như môi trường sinh thái.
Gần đây nhất, việc đốt phá rừng xảy ra vào ngày 21/5, làm 6 ha rừng đầu nguồn Khe Chung bị đốt cháy trụi. Phó Chủ tịch UBND xã Tào Sơn Phan Sỹ Quỳ cho biết: Khi nhận được tin báo của nhân dân địa phương, chính quyền xã Tào Sơn đã tiến hành kiểm tra thì phát hiện ông Phạm Đình Hường ở xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An cùng với 4 người làm thuê đang đốt phá rừng. Ngày 23/5, chính quyền xã Tào Sơn cùng với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn xuống nơi rừng bị đốt kiểm tra và kết luận 6 ha rừng bị cháy thuộc diện tích đất rừng do xã Tào Sơn quản lý (căn cứ theo bản đồ địa giới hành chính giữa các huyện). Chính quyền xã Tào Sơn đã làm biên bản gửi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc có biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Bà Trần Thị Xuân, vợ ông Phạm Đình Hường, ở xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An cho rằng: Gia đình bà được chính quyền xã Giang sơn Tây giao cho 500.000 m2 đất rừng tự nhiên giáp ranh với diện tích rừng đầu nguồn của xã Tào Sơn để sản xuất. Vì vậy diện tích đất rừng mà gia đình bà thuê người đốt để trồng tràm, sắn là phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà. Nhưng trên thực tế, diện tích rừng mà gia đình bà Trần Thị Xuân và ông Phạm Đình Hường đốt phá lại là diện tích đất rừng đầu nguồn do chính quyền xã Tào Sơn quản lý, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh của xã Tào Sơn.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên một số người dân đốt phá rừng, mà hành vi trái pháp luật này vẫn đã tiếp tục diễn ra từ năm 2010. Đến nay, tổng diện tích bị đốt phá rừng đầu nguồn đã lên tới hơn 20 ha. Chủ tịch UBND xã Tào Sơn Hoàng Đình Sơn cho biết: Khi việc đốt phá rừng xảy ra, chính quyền xã Tào Sơn đã nhiều lần gửi biên bản, tờ trình đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, nhằm ngăn chặn tình trạng trái pháp luật này. Chính quyền hai xã Giang Sơn Tây và Tào Sơn cũng như các Sở, ban, ngành hai huyện Đô Lương và Anh Sơn đã họp về vấn đề này, tuy nhiên các biện pháp đưa ra vẫn chưa đủ sức răn đe, hình thức xử phạt chỉ mang tính cảnh cáo.
Không chỉ đốt phá rừng, một số người dân xã Giang Sơn Tây còn giăng bẫy bắt trâu bò tại khu vực đất rừng mà mình được giao sản xuất và thu tiền nộp phạt một cách vô tội vạ. Cụ thể là từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Phạm Đình Hường, ở xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã dùng dây cáp lụa làm bẫy giăng các lối mòn xung quanh rừng tự nhiên tiếp giáp với khu vực rừng gia đình ông quản lý và lấn chiếm. Khi trâu bò xã Tào Sơn mắc bẫy, ông Hường thu tiền phạt các hộ có trâu bò từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng một con rồi mới thả cho về mà không cho chủ hộ có trâu bò biết là trâu bò họ đã gây ra thiệt hại gì. Tính từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Hường đã thu tiền phạt của 19 gia đình với tổng số tiền 34,5 triệu đồng. Chính quyền xã Tào Sơn đã nhiều lần kiểm tra, thu vật chứng, sau đó có văn bản đề nghị chính quyền xã Giang Sơn Tây, cũng như chính quyền cơ quan các cấp giải quyết thấu đáng việc này. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa có biện pháp giải quyết, chịu thiệt vẫn là người dân.
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ việc lấn chiếm cũng như đốt phá rừng tại khu vực giáp ranh giữa xã Tào Sơn và Giang Sơn Tây. Cùng với các biện pháp xử lý mạnh, chính quyền các cấp cũng cần làm rõ ranh giới địa chính rừng tiếp giáp giữa các địa phương với nhau để đảm bảo thực hiện tốt trong việc quản lý rừng, bảo vệ môi trường, ổn định cuộc sống cho nhân dân.