Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tại một số khu vực, lượng mưa trong vài ngày qua đã bằng lượng mưa trong 2 tháng.
Lũ lụt đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa, hàng nghìn người dân phải sơ tán và nhiều người thiệt mạng.
Tại Séc, 6 người đã chết do lũ lụt. Đây là trận lụt tồi tệ nhất trong vòng 1 thập kỷ qua ở nước này và khiến chính phủ Séc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Cảnh ngập lụt ở Krems, Áo ngày 3/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà chức trách đã đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm. Binh lính phải dựng các rào thép theo con đường bên bờ sông Vltava để ngăn không cho nước tràn vào thành phố. Đây là loại hàng rào được chế tạo để ngăn nước từ sau trận lụt lịch sử vào năm 2002. Trong khi đó, các tình nguyện viên đã chất các bao cát để ngăn không cho nước sông đang dâng cao tràn vào khu vực trung tâm lịch sử của thủ đô Praha.
Bộ trưởng Môi trường Séc Tomas Chalupa cho rằng dù hệ thống hàng rào thép có thể chặn được dòng nước, nhưng nhiều khó khăn còn ở phía trước do mực nước của sông Vltava tiếp tục dâng cao.
Tại Đức, vận tải bằng tàu thủy trên sông Danube và sông Rhine đã bị ngưng trệ do nước dâng cao. Hai con sông này là những tuyến huyết mạch vận chuyển ngũ cốc, than và hàng hóa của khu vực. Nhà máy sản xuất ôtô Volkswagen đã phải đóng cửa do công nhân không thể đến nhà máy vì mưa lớn, trong khi đó cổ phiếu của các hãng bảo hiểm ở Munich và Hanover đã giảm 2,5% do các hãng này phải chi trả bảo hiểm lớn sau khi nước rút đi.
Tại Áo, hai người đã thiệt mạng và 2 người khác bị mất tích, hàng nghìn người phải sơ tán. Tại thành phố Salzburg, 160 khách du lịch đã phải ngủ đêm tại doanh trại quân đội, do lũ lụt cản trở tàu của họ.
Trong khi đó, các nước khác dọc theo sông Danube như Slovakia, Hungary, đang khẩn trương dựng các con đê ngăn lũ tại thủ đô do ngại mực nước của con sông này tiếp tục dâng cao sẽ tràn vào. Cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia Hungary lo ngại rằng mực nước của sông Danube có thể vượt mức kỷ lục của năm 2002.
Châu Âu đã phải hứng chịu trận lụt lịch sử năm 2002 làm 17 người chết và gây thiệt hại 26 tỷ USD. Một số chuyên gia khí hậu cho rằng hiện tượng thời tiết bất thường và lụt lội xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Âu có thể liên quan đến biến đổi khí hậu.
Cũng với lũ lụt tại châu Âu, tại Mỹ, 18 người đã bị thiệt mạnh do bão lớn tại bang Oklahoma, trong đó có 6 trẻ em. Đợt bão này kéo dài từ cuối tuần trước đã gây thiệt hại nặng nề cho bang này.