Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trắng tay hoàn tay trắng
Hiện tại, trong khu vực lâm phần U Minh Hạ, tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 25%. Trong đó, nhiều ấp có một nửa số dân thuộc diện nghèo khó. Vào rừng lập nghiệp từ những năm 1990 theo chính sách điều động dân cư, mấy mươi năm trôi qua, ngày nào cũng làm quần quật, vậy mà ông Phạm Văn Tuấn, ở ấp 13, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, vẫn không thoát khỏi chuẩn hộ nghèo. Giọng ông Tuấn trầm buồn: “Hồi đó không đất, vào đây được cấp hơn 2ha, tính vậy là ngon lắm rồi, tưởng có thể làm giàu được. Vậy mà mấy mươi năm qua, do đất phèn, cộng thêm làm lúa không hiệu quả, lại thêm phải giữ nước phòng chống cháy nên đến bây giờ vẫn quẩn quanh với cái nghèo, cái đói”.
Khánh Thuận là xã có rất đông hộ dân sống trên khu vực lâm phần. Toàn xã có 15 ấp, trong đó có 10 ấp là người dân sống dưới tán rừng tràm. Nghề chính của người dân sống dưới tán rừng là giăng lưới, giăng câu kiếm cá để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn thu nhập từ cá đồng giảm nhiều làm cho cuộc sống người dân đã khó lại càng khốn khó hơn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã lên đến gần 50%.
Những cánh rừng tràm lơ thơ là hình ảnh đập vào mắt chúng tôi đầu tiên khi đến ấp 18, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Con đường đất ngoằn ngoèo chính là lối vào nhà anh Hoàng. Trong căn nhà lá xập xệ, chị Phạm Thị Sương, vợ anh Hoàng, tâm sự: “Bao nhiêu năm bám trụ với cây tràm vẫn không thể đủ nuôi sống gia đình nên đành đốn bỏ. Chồng tôi hiện phải đi làm mướn ở xa, tôi ở nhà lay lắt với mấy công ruộng để nuôi con ăn học, nhưng không biết có thể cầm cự được bao lâu”. Sự kiện tự ý phá rừng ở khu vực này từng gây hoang mang cho lực lượng kiểm lâm. Năm 2007, 63 hộ dân tuyến Lâm ngư trường Sông Trẹm, nay thuộc ấp 17, 18, 19, xã Nguyễn Phích, đồng loạt đốn tràm để mở rộng diện tích canh tác. Và gần đây nhất là trong những tháng cuối năm 2012, cũng tại địa điểm trên, người dân lại một lần nữa thực hiện hành vi hạ đốn tràm. Giải thích cho hành động phạm pháp của mình, một số hộ dân nơi đây cho biết, trồng tràm không hiệu quả, sau khi thu hoạch, người dân ở đây không thiết tha chăm sóc cây tràm nữa. Vì vậy, tràm mọc xiêu vẹo, kém phát triển. Mặt khác, người dân thấy cấy lúa và nuôi tôm cho hiệu quả cao hơn nên họ thu hẹp dần diện tích trồng tràm.
Anh Phan Hùng Dũng, Trưởng phòng Pháp chế và xử lý vi phạm, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, cho biết: “Cuối năm 2012, có 31 hộ vi phạm quy định về rừng. Tuy nhiên, không thể phạt tiền được vì cuộc sống của họ quá khó khăn, có những hộ sau khi bị xử lý vi phạm thì bỏ xứ đi luôn”. Ông Trần Thanh Liêm có mấy mươi năm trăn trở với rừng và nay khi đã về hưu ông lại về với rừng để mong tìm lời giải cho bài toán nghèo khó trên vùng đất phì nhiêu này. “Tôi rất trăn trở với đời sống người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng lại tồn tại trên vùng đất rất có tiềm năng phát triển. Thật ra cũng không hẳn là lỗi của cơ chế, còn có những khoảng cách trong quá trình triển khai. Chủ trương chung của chúng ta là khai thác, bảo vệ rừng U Minh gắn với mục tiêu nâng cao đời sống người dân dưới tán rừng. Sau hơn 30 năm giải phóng, U Minh vẫn là “trũng nghèo” của tỉnh. Tại sao vậy, dù ta đã áp dụng nhiều giải pháp? Theo tôi, do một số nguyên nhân chủ yếu sau: do tính toán trong quá trình triển khai chưa phù hợp với thực tiễn, do vốn chưa được đầu tư đến nơi đến chốn, hệ thống thủy lợi, hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống chưa đồng bộ”, ông Trần Thanh Liêm trần tình.
Đánh thức tiềm năng
Ông Trần Thanh Liêm khẳng định: “Mỗi người chỉ cần 2 - 3ha nhưng được đầu tư đến nơi đến chốn từ kỹ thuật cho đến vốn thì vẫn có thể làm giàu được”. Ông giải thích, nói về vốn thì lại vướng cơ chế. Đất người dân ở nhưng lại không có nghĩa vụ, quyền lợi gắn bó một cách bền vững với nó. Hơn 20.000 người giữ rừng là ngần ấy người không có “sổ đỏ”, họ chỉ là người làm mướn, ở đậu cho lâm trường hoặc công ty lâm nghiệp, mà đã là người làm mướn, ở đậu thì tâm lý tạm bợ luôn đè nặng. Còn ông Đỗ Thanh Lương, ấp 17, xã Khánh An, bộc bạch: “Gia đình có 8 ha đất, nhờ có vốn nên cải tạo tốt, hàng năm trồng dây thuốc cá cũng thu nhập được trên 600 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện gia đình cũng không dám đầu tư nhiều vào đây, vì đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ”. Điển hình như tuyến T29 của xã Nguyễn Phích và Khánh An, một số hộ dân được giao đất và có sổ đỏ. Họ đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, vay được nhiều vốn để đầu tư và cuộc sống nơi đây dần ổn định.
Ông Trần Thanh Liêm khẳng định: “Khi có sổ đỏ họ có những dự tính lâu dài, nhà cửa được xây dựng khang trang, ao đìa cũng được cải tạo tốt hơn, đời sống dần được cải thiện. Đây thật sự là lời giải cho bài toán xóa nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, việc làm này vẫn còn chậm chạp. Cho nên tôi mong muốn Nghị định 181 của Chính phủ sớm được thực hiện để gắn người dân với đất rừng”.
Ông Nguyễn Như Độ, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Cà Mau, cho hay, do giá cả cừ tràm ngày một bấp bênh nên Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Bộ NN-PTNT xin bổ sung 2 cây trồng mới, đó là cây keo lai và bạch đàn vào danh mục cây trồng mới tại tỉnh. Song song với chuyển đổi mục đích đó, các chính sách tập trung vào đầu tư hạ tầng cho vùng rừng (điện - đường - trường - trạm); mô hình sản xuất (đưa vào nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như rừng - cá, lúa - cá). “Tuy nhiên, mặc dù chưa phát triển mạnh do một số yếu tố như vốn, kỹ thuật còn thiếu nhưng cơ bản chúng ta đã đi đúng hướng để phát triển tiềm năng rừng tại Cà Mau”, ông Nguyễn Như Độ đánh giá.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã thông qua đề án bố trí xắp sếp dân cư rừng tràm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được vì kinh phí quá lớn. Hiện tại, chủ trương của tỉnh là sẽ triển khai thí điểm một vài khu vực trong thời gian tới. Ông Nguyễn Như Độ khẳng định: “Có thực hiện được đề án này thì người dân dưới tán rừng mới phát triển được. Hiện còn mâu thuẫn gay gắt giữa bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp. Hệ thống quản lý của ta hiện nay là nằm trong đê bao nên sản xuất của người dân bị động. Vì thế, cần thiết phải bố trí sản xuất lại, rừng cho ra rừng, không để lẫn lộn như bây giờ vừa khó, tốn kém trong đầu tư mà hiệu quả mang lại không cao”.
Như vậy, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là thực hiện đồng bộ giữa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí sắp xếp lại dân cư, có giải pháp thiết thực về vốn, kỹ thuật sản xuất. Phải bằng những cơ chế phù hợp và mạnh dạn cho phát triển những cây trồng mới thì người dân mới có cơ hội khá lên.