Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sống khỏe nhờ cây dó bầu

(12:34:05 PM 03/06/2013)
(Tin Môi Trường) - Nhiều người phất lên nhờ trúng cây dó bầu kết tủa trầm dày đặc. Nhiều lao động phổ thông có thu nhập khá nhờ làm công việc soi, xỉa trầm...

Hơn 10 năm trước, dó bầu được biết đến như là loại cây hái tiền tỉ, người dân nhiều địa phương đổ xô trồng với ước mơ đổi đời, trong đó có tỉnh Bình Phước. Hiện Bình Phước có khoảng 1.000 ha cây dó bầu được người dân và doanh nghiệp trồng.

 

Thu tiền tỉ

 

Khi còn đương chức chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước, ông Võ Văn Chương (Năm Chương) đã thấu hiểu và trăn trở về những khó khăn của người dân trồng cây dó bầu. Ông quyết định trồng thử nghiệm 2 ha dó bầu (2.200 cây) trên đất nhà ở huyện Đồng Phú, tự nghiên cứu bào chế thuốc cấy trầm với giá rẻ, đạt hiệu quả cao.

 

Theo ông Năm Chương, phương pháp cũ khi trồng dó bầu thường dong (chặt) nhánh dẫn đến sản lượng trầm ít. Đến độ tuổi cấy trầm, nhiều người dùng cưa xẻ các đường dọc thân cây hoặc đục vài chục lỗ  theo hướng từ ngọn xuống gốc rồi bơm thuốc vào. Vì thế, khi thu hoạch, trầm chỉ tụ ở vài lỗ, thậm chí có cây không trầm.

 

Ông Nãm Chuong bom thuốc cấy trầm vào thân cây dó bầu
 

Ông Năm Chương đã thay đổi phương pháp, thử nghiệm không dong nhánh. Đối với cây dó bầu 5-7 năm tuổi, ông chỉ khoan 2-3 lỗ, mỗi lỗ bơm một chai thuốc (0,5 lít) cấy trầm; cây trên 10 năm tuổi khoan 2 tầng (6-8 lỗ). Với phương pháp trồng và cấy thuốc như trên, sau 3 tháng, áo dầu (lớp trầm mỏng) màu nâu xuất hiện, đến 12 tháng đã có thể khai thác. Lúc này, trầm tích tụ từ gốc cho tới những nhánh nhỏ, độ kết tủa dày 1-2 ly. Nếu có điều kiện nuôi cây đến 24 tháng, trầm càng tích tụ, màu càng đẹp và bóng.

 

 Theo ông Năm Chương, trầm  là mặt hàng được nhiều thương lái ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP HCM… lùng mua để xuất khẩu sang Mỹ, các nước vùng Trung Đông, Trung Quốc, Malaysia...  Ngay tại vườn, 1 kg trầm loại áo dầu có giá bán 2 triệu đồng, loại trầm tích tụ 24 tháng giá 5-6 triệu đồng. Dầu trầm hương được dùng làm thuốc chữa bệnh, hương liệu sản xuất hóa mỹ phẩm và dùng vào mục đích tín ngưỡng.

 

“Hiện tại, tôi đã xây dựng xưởng chiết xuất tinh dầu trầm với 6 lò chưng cất, khu nhà kho, hệ thống tinh chiết… và đã xuất được nhiều mẻ với giá 7.000 USD/lít. Tới đây, xưởng sẽ phát triển lên 60 lò chưng cất để đủ bao tiêu cây dó bầu của người dân địa phương. Nếu trồng 1 ha với 1.100 cây dó bầu, sau 6 năm, họ bán được cả tỉ đồng. Người dân không có tiền, tôi ra thuốc, bỏ công và hưởng 30% số cây sau 12 tháng cấy trầm” - ông Năm Chương cho biết.

 

Không trồng thì… xỉa

 

Ba năm trước, nghe nhiều người mách nước, ông Võ Văn Hiệp (SN 1968) cùng người thân dắt díu nhau từ Quảng Ngãi vào Bình Phước lập nghiệp với nghề xỉa trầm. Dần dà, do nguồn nguyên liệu dồi dào, công việc khá nhàn, dễ học lại thu nhập cao, tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã hình thành xóm xỉa trầm với khoảng 50 hộ dân, phần lớn đến từ vùng quê Quảng Nam và Quảng Ngãi.

 

Công đoạn chế tác trầm hương là tách phần gỗ nhiễm dầu (trầm hương) ra khỏi thân cây bằng những công cụ thô sơ (rìu, đục, dũm…) với hai động tác chính soi và xỉa. Sản phẩm thu được là trầm hương có dạng miếng, mảnh.

 

Thợ xỉa trầm ðang thực hiện công ðoạn tỉa “giác” trên cây dó bầu
 

Theo ông Hiệp, để có được một thanh trầm nguyên chất, phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, dùng cưa máy cắt thân cây dó bầu theo từng khúc, sau đó dùng dao, rựa đẽo bỏ lớp vỏ ngoài cùng (gọi là xổ trầm) cho đến khi phát hiện vết trầm kết tủa trong lõi cây. Lúc này, phần cây có trầm được chuyển cho thợ thực hiện công đoạn “gạn” (dùng các loại dũm để xoi, xỉa). Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, nếu không khéo sẽ bay áo trầm. Công đoạn cuối là “tỉa” sẽ được giao cho thợ có kinh nghiệm để săm soi, móc sạch số “giác” còn lại, dù nhỏ nhất nằm trong lõi trầm. Thợ có kinh nghiệm có thể xỉa được 1 kg trầm từ cây dó bầu, thu nhập trung bình 200.000 - 400.000 đồng/ngày.

 

Ông Hiệp cho biết thợ có vốn liếng, kinh nghiệm thường làm chủ xưởng xỉa trầm. Họ phải lặn lội hàng trăm cây số để lùng cây dó bầu được trồng trong dân, đặt vấn đề mua hoặc ký hợp đồng ăn chia tỉ lệ phần trăm với chủ vườn. Nếu ký hợp đồng ăn chia, chủ xưởng sẽ góp thuốc tạo trầm, bỏ công khoan để cấy trầm. Đến khi thu hoạch (khoảng 12 - 15 tháng), chủ vườn hưởng 70%, chủ xưởng hưởng 30% số cây trong vườn. Trường hợp mua đứt vườn dó bầu, chủ xưởng phải ứng trước cho chủ vườn số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

 

Trả lời câu hỏi có ai giàu lên từ nghề xỉa trầm không, ông Hiệp khẳng định đối với thợ ăn công, cuộc sống có phần khá giả vì thu nhập không thấp, không phải bỏ vốn mua cây dó bầu. Chủ xưởng xỉa trầm cũng có vài người khá lên nhờ mua trúng vườn dó bầu kết tủa trầm dày đặc. Sau khi xỉa, loại chất lượng kém nhất cũng được thương lái đến mua ngay tại nhà với giá 3 triệu đồng/kg, loại “xịn” lên tới 7 triệu đồng/kg. Tuy nhiên cũng có không ít chủ xưởng xỉa trầm lỗ vốn phải bán nhà, bán đất để trả nợ do vườn dó bầu không tích tụ được trầm.

 

Băn khoăn đầu ra

 

Tiếp tôi ở vườn nhà mình tại thôn Tân Ba, xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Gia Toàn (đang trồng 1.500 cây dó bầu) khẳng định tại thôn này có ông Đinh Văn Nhất giàu lên từ cây dó bầu sau khi bán được 1.000 cây loại 8 năm tuổi với giá 2 tỉ đồng; ông Trần Đình Chương tận dụng đất xấu và bờ ranh trong rẫy nhà trồng được khoảng 1.000 cây, mới đây có người mua 400 cây và đã đặt cọc 500 triệu đồng...

 

Ở xã Bình Thắng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, ông Ba Nhàn vừa bán được 100 cây trồng xen vườn tiêu với giá 120 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như nhiều người khác, ông Toàn băn khoăn về đầu ra khi Nhà nước không quy hoạch hay có văn bản nào bảo đảm tiêu thụ cho người dân trồng dó bầu.

 
(Theo NLĐ)