Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đà Nẵng: Bỏ không nhiều nhà vệ sinh công cộng 175 triệu đồng/nhà

(15:33:36 PM 01/06/2013)
(Tin Môi Trường) - 25 nhà vệ sinh tiện ích công cộng (NVSCC) được TP Đà Nẵng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí 175 triệu đồng/nhà vệ sinh.Mới đưa vào sử dụng từ tháng 7-2012 nhưng đến nay nhiều nhà vệ sinh đã ngừng hoạt động.

 

Nhà vệ sinh công cộng dưới chân cầu Sông Hàn vắng khách - Ảnh: TR.TRUNG

 

 

Du khách có nhu cầu đi vệ sinh tại khu vực đường Lê Đức Thọ, Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) đành phải nín nhịn hoặc xin vào nhà dân vì các NVSCC ở các khu vực này đã cửa đóng then cài nhiều tháng nay. Ông Trần Ngọc Xê, nhà ở gần nút giao thông Hoàng Sa - Lê Đức Thọ, cho biết thỉnh thoảng vào buổi tối mới có cô công nhân vệ sinh mở cửa NVSCC để lau chùi và phục vụ du khách.

 

Tình trạng NVSCC bị bỏ hoang, khóa kín cửa cũng xảy ra tại các điểm ở khu vực cây xăng Nguyễn Văn Linh (quận Thanh Khê), trạm bơm Xuân Diệu (quận Hải Châu). Bốn NVSCC được bố trí rải rác bên bờ hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê) đến nay chỉ còn hai nhà vệ sinh mở cửa. Chị Phan Thị Thu Linh, phụ trách ở đây, cho biết trước đây mỗi tháng chị được trả lương 3 triệu đồng để trông coi và thu tiền vé trong thời gian từ 5g-22g hằng ngày. “Thời gian dài, lượng khách ít nên tôi đề nghị Xí nghiệp môi trường Thanh Khê đóng cửa bớt hai NVSCC. Hiện nay hai nhà vệ sinh còn lại có không quá 30 lượt người đi mỗi ngày” - chị Linh nói.

 

Ngay tại khu vực trung tâm TP, hai bên cầu Sông Hàn được bố trí tám nhà vệ sinh nhưng đến nay chỉ còn một nhà vệ sinh hoạt động. Ông Trần Ngọc Phương, phụ trách hai nhà vệ sinh phía nam cầu Sông Hàn, cho biết trước đây ông nhận lương của Xí nghiệp môi trường Hải Châu 1 với mức 3 triệu đồng/ tháng, tiền vé vệ sinh giao lại xí nghiệp. “Từ ngày 15-3, xí nghiệp giao hẳn hai nhà vệ sinh cho tôi quản lý tự thu tự chi nhưng mỗi ngày chưa tới 20 lượt khách đi vệ sinh (mỗi lượt là 2.000 đồng), thu nhập không tới 1 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền giấy vệ sinh, tiền điện nước mình phải trả nên tôi đang tính tìm nghề khác” - ông Phương than thở.

 

Ông Phạm Phúc Ánh, giám đốc Xí nghiệp môi trường Hải Châu 1, cho biết xí nghiệp được giao quản lý 10 nhà vệ sinh nhưng do không có tiền trả lương cho công nhân nên từ ngày 15-3 giao hẳn cho người quản lý nhà vệ sinh tự cân đối thu chi. Ông Ánh cũng cho biết do nguồn thu từ vé đi vệ sinh quá ít nên nhiều công nhân đã giao trả lại, hiện nay chỉ còn năm nhà vệ sinh hoạt động. “Trước mắt chúng tôi tìm người để giao nhà vệ sinh theo phương thức tự thu tự chi, mở cửa được cái nào hay cái ấy rồi xin mở các quầy bán thuốc lá, áo mưa để hỗ trợ người lao động chờ đến ngày được cấp kinh phí” - ông Ánh nói.

 

Theo ông Lê Đỡ - phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Đà Nẵng, năm 2012 TP đầu tư 30 NVSCC sử dụng công nghệ mới RTM rồi cho lắp đặt 25 cái tại các khu vực trung tâm TP, giao công ty quản lý theo hình thức chìa khóa trao tay, đơn vị tự thu tự chi. Do khó khăn về nguồn thu nên đơn vị đã nhiều lần đề nghị TP hỗ trợ tuy nhiên vẫn chưa được.

 

“Trong thời gian đưa vào sử dụng, mỗi ngày đơn vị phải chi trả 100.000 đồng/người trông coi tại các điểm NVSCC. Đó là chưa kể nhà vệ sinh hỏng hóc phải sửa với số tiền lớn vì đây là nhà vệ sinh tự động” - ông Đỡ nói. Ông Đỡ cũng cho biết đã làm tờ trình TP Đà Nẵng về việc xin điều chỉnh hoạt động của một số NVSCC bố trí chưa hợp lý, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng. Cụ thể, công ty đề nghị duy trì 11 NVSCC ở khu vực có thể cân đối được nguồn thu, rút về 5 NVSCC và 9 NVSCC chỉ mở cửa vào dịp lễ hội.

 

(Theo TTO)