Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hội thảo về quy hoạch không gian biển

(08:33:13 AM 31/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Trong 2 ngày 30-31/5, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng và Dự án “Nguồn lợi ven biển - vì sự phát triển bền vững” thuộc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo quốc gia “Áp dụng quy hoạch không gian biển và vùng bờ biển tại Việt Nam – Cách tiếp cận quản lý dựa trên hệ sinh thái”.

 Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam điều phối với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad), cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) và Quỹ phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA). Đây là diễn đàn đầu tiên thảo luận về việc áp dụng quy hoạch không gian biển tại Việt Nam; là một bước quan trọng để tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề hiện đang đe dọa không chỉ đến sức khỏe môi trường mà còn đến tương lai của biển và vùng bờ biển của Việt Nam. 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: Phát triển kinh tế ngày càng gia tăng, đang gây áp lực lên môi trường và tài nguyên biển. Điều đó cũng là mối quan tâm của các bên liên quan, do vậy để có quy hoạch sử dụng biển và vùng bờ biển một cách bền vững, Quy hoạch không gian biển chính là công cụ quản lý hiệu quả theo không gian và đã được thế giới áp dụng. Hải Phòng là địa phương đi đầu trong nhận thức và hành động về quy hoạch không gian biển và từng bước lồng ghép phương thức quản lý này trong các kế hoạch hành động và trong điều hành quản lý. Áp dụng quản lý tổng hợp vùng bờ biển và quy hoạch không gian biển được thành phố xác định là nhóm các giải pháp ưu tiên cao. 


 

Ảnh minh họa

 

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội: Để thực hiện thành công Quy hoạch không gian biển, Việt Nam cần tập trung nhiều nỗ lực và thời gian vào việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cũng như phải xác định vị trí pháp lý và khía cạnh thể chế của loại quy hoạch mới này trong hệ thống chính sách và luật pháp quốc gia. Đây là những vấn đề cần quan tâm để thực hiện cam kết lâu dài về phát triển bền vững biển. Bước đầu đưa quy hoạch không gian biển vào thử nghiệm tại một số điểm lựa chọn trước khi mở rộng quy mô sang các khu vực khác ở cấp quốc gia và địa phương... 

Việt Nam là quốc gia biển, diện tích biển gần gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền, có mật độ đa dạng sinh học biển cao với đường bờ biển dài hơn 3.200km, có 44 vịnh, 114 cửa sông lớn nhỏ. Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế biển mạnh và là quốc gia có nền công nghiệp dựa chủ yếu vào tài nguyên biển, do đó việc duy trì chức năng và giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái biển và ven biển là điều cốt lõi đối với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đang mở rộng phát triển kinh tế đa ngành nhưng hầu hết vẫn tập trung vào các vùng bờ biển. Mở rộng công nghiệp theo quy mô lớn, không bền vững sẽ không chỉ đe dọa môi trường sống mà còn hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên mà nền kinh tế chúng ta đang phụ thuộc vào. Ngày nay, kinh tế biển chiếm khoảng 48% tổng sản phẩm quốc nội, dự kiến đạt mốc 53% vào năm 2020. Tuy nhiên, vùng duyên hải Việt Nam là những khu vực dễ bị tác động trong điều kiện môi trường chưa được đảm bảo và đầu tư chưa hợp lý, trong đó các ngành công nghiệp và cộng đồng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhất. 

 

Quy hoạch không gian biển đã được áp dụng ở những khu vực có tồn tại các mâu thuẫn, xung đột giữa các đối tượng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Từ khu bảo tồn biển dải san hô ở Ôtxtrâylia cho đến các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ..., quy hoạch không gian biển đã chứng minh được những lợi ích mà nó đem lại. Một trong những lý do thành công của Quy hoạch không gian biển trên toàn cầu là ưu tiên giải quyết các nhu cầu của các bên liên quan tại địa phương. Quá trình này gắn kết tất cả các bên lại với nhau từ các ngành công nghiệp, dịch vụ, Chính phủ đến cộng đồng địa phương và xã hội dân sự trong một số nỗ lực cùng xây dựng các chiến lược sử dụng tài nguyên, nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
 

TTXVN