Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xử lý mũ bảo hiểm “rởm”- Giải quyết tận gốc

(14:15:36 PM 30/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT giữa 4 Bộ: Khoa học và Công nghệ; Công thương, Công an, Giao thông Vận tải quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy vừa có hiệu lực từ ngày 15/5/ 2013.

 Theo Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng, đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện văn bản pháp luật này thì Thông tư 06 đã thực hiện được việc gắn trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm mũ bảo hiểm đối với chất lượng sản phẩm đặc biệt này. "Với văn bản pháp luật này, việc xử lý vấn đề mũ bảo hiểm hiểm giả, kém chất lượng( rởm) sẽ được giải quyết triệt để tận gốc", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Trần Văn Vinh khẳng định. 

 

* Nâng cao ý thức người dân 

Ông Trần Văn Vinh cho rằng, việc triển khai một văn bản pháp luật bao giờ cũng có một độ trễ nhất định. Bởi vậy, mặc dù Thông tư 06 có hiệu lực từ 15/5 nhưng hiện nay, khi đi trên dường phố chúng ta vẫn bắt gặp một vài cửa hàng bán mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Hiện nay trên vỉa hè của nhiều tuyến phố, mũ bảo hiểm “rởm” cũng vẫn còn xuất hiện với những kiểu dáng đa dạng, bắt mắt và có giá bán rất thấp. Do vậy, việc cấp bách nhất hiện nay là công tác tuyên truyền phổ biến Thông tư 06 tới các cơ quan, đơn vị chuyên ngành và người dân để cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức trong việc sử dụng mũ bảo hiểm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân khi tham gia giao thông. 

Theo Thông tư 06, các đơn vị có trách nhiệm đi kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng bao gồm: Quản lý thị trường, Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại các địa phương, Cục Cảnh sát điều tra về kinh tế và trật tự xã hội, lực lượng công an xã, phường, thị trấn. Như vậy, Thông tư 06 ra đời đã quy định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan như lực lượng công an xã phường, thị trấn, công an điều tra về tội phạm kinh tế. Đây là những lực lượng có khả năng nắm vững địa bàn, đi sâu sát, nắm bắt được từng cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm ở các địa phương. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn phối hợp triển khai Thông tư 06 tới các đơn vị liên ngành và UBND 63 tỉnh thành trên cả nước, trong đó nêu rõ đề nghị tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thông tư 06 cho UBND cấp xã, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người dân tại địa phương. Cùng với đó, chỉ đạo Công an xã phường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn quản lý theo quy định của văn bản pháp luật này. 

Ông Vinh nhấn mạnh: " Nếu như cách đây vài năm, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông còn lạ lẫm với nhiều người dân thì giờ đây, toàn dân đã thực hiện việc đội mũ bảo hiểm một cách đồng bộ. Tuy nhiên, bên cạnh việc chấp hành đó, vẫn còn không ít người dân thiếu ý thức, không quan tâm đến việc đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng để đối phó với cơ quan chức năng. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường nếu tai nạn giao thông xảy ra. Để việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông được cộng đồng nhận thức sâu sắc và chấp hành triệt để, ngoài việc Chính phủ và các Bộ ngành đưa ra những chính sách pháp luật hợp lý, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân khi tham gia giao thông". 

Ông Vinh cũng cho biết, Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã gửi công văn đến 3 Bộ liên ngành và UBND 63 tỉnh, thành trên cả nước đề nghị tổ chức tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và người sử dụng mũ bảo hiểm về Thông tư liên tịch 06 trong đó tập trung vào vai trò của lực lượng cán bộ, công an cấp xã, phường, thị trấn trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn. Việc này cũng giúp cộng đồng nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc bảo vệ an toàn của bản thân khi tham gia giao thông. 

Ảnh minh họa
 

* Gắn trách nhiệm vào doanh nghiệp sản xuất 

"Gắn trách nhiệm vào doanh nghiệp sản xuất" là một trong những điểm nhấn của Thông tư 06. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng cho biết: Thông tư 06 quy định các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy đối với mũ bảo hiểm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN; Gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Như vậy, đối với mỗi chiếc mũ bảo hiểm người dân sử dụng khi tham gia giao thông đều phải có trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất kinh doanh sản phẩm này. 

Ông Linh giải thích thêm: Theo Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, hàng hóa muốn được đưa ra thị trường phải công bố tiêu chuẩn áp dụng bao gồm việc ghi nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, đối với sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của mũ bảo hiểm thì bắt buộc phải có các yêu cầu về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2: 2008/BKHCN. Theo quy định, các đơn vị đạt yêu cầu và đặc biệt là sản phẩm của doanh nghiệp được công bố là hợp quy khi có đầy đủ hồ sơ chứng minh sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn yêu cầu. Sau đó, sản phẩm được công bố hợp quy tại các cơ quan địa phương, cụ thể là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ). Việc cấp và phát hành tem hợp quy - CR không thuộc trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng mà do doanh nghiệp sản xuất tự gắn tem CR cho sản phẩm mũ bảo hiểm của mình. Đây cũng là quy định nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm mình sản xuất ra. Như vậy, để kiểm tra sản phẩm mũ bảo hiểm có đạt chất lượng hay không, việc đầu tiên các cơ quan chức năng cần tiến hành là kiểm tra hồ sơ chứng nhận hợp quy của sản phẩm chứ không chỉ kiểm tra tem CR trên sản phẩm. 

Cũng theo ông Trần Văn Vinh, hiện nay, các nước trên thế giới đang áp dụng hình thức kiểm tra mũ bảo hiểm theo hướng kiểm tra hành chính trước rồi mới tiến hành các bước kiểm tra chất lượng. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý, kiểm tra, lực lượng chức năng tại địa phương có nhiệm vụ tìm hiểu các thông tin về việc đăng ký sản xuất kinh doanh, hồ sơ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn… Nếu chiếc mũ chỉ được kiểm tra việc gắn dấu CR thì không thể xác định được việc mũ có đạt chất lượng. Theo Thông tư 06, các cơ sở đăng ký kinh doanh mũ bảo hiểm cần xuất trình hồ sơ chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm mũ bảo hiểm cơ sở đang kinh doanh. Tuy nhiên, ông Vinh cũng cảnh báo "Hiện nay, nhiều người tiêu dùng khi đi mua sản phẩm này chỉ để ý đến việc dán tem CR mà không biết rằng việc kiểm tra hồ sơ chứng nhận hợp quy mới là quan trọng".

TTXVN