Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu ở Hải Dương: cần cẩn trọng

(03:31:36 AM 30/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Chiều 29/5, Hội đồng khoa học tỉnh Hải Dương đã tổng kết đề tài "Ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật phát triển nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu đảm bảo bền vững trên địa bàn thị xã Chí Linh” do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương chủ trì và thực hiện.

Ảnh minh họa


Đề tài được thực hiện trong hai năm 2011-2012 với tổng kinh phí 522,7 triệu đồng gồm hai chuyên đề tiến hành song song: Ấp nở và nuôi rắn thương phẩm; nuôi cóc sinh sản và cóc con làm thức ăn cho rắn. Quy trình ấp nở và nuôi rắn được tham khảo tại Trung tâm sản xuất rắn Hổ mang giống tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và triển khai trên quy mô 3 máy ấp trứng/3 hộ thuộc phường Cộng Hòa và Sao Đỏ, thị xã Chí Linh. Tổng số trứng rắn ấp nở là 750 quả, rắn con tiếp tục được nuôi trong chuồng rộng 30m2. Việc chăn nuôi cóc áp dụng theo quy trình kỹ thuật nuôi cóc sinh sản và cóc con của Khoa Nông-lâm-ngư, trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ trên quy mô 5 hộ với 300 cóc bố mẹ và 140.000 cóc con.

Sau hai năm thực hiện, ban chủ nhiệm đề tài đưa ra một số kết luận: Quy trình ấp nở bằng máy để nâng tỷ lệ rắn đực có sức khỏe tốt chưa thực sự tỏ ra hiệu quả, chênh lệch giữa sử dụng máy và ấp thủ công là không đáng kể. Số lượng cóc nuôi mắc bệnh và chết nhiều, việc chủ động nuôi cóc làm thức ăn cho rắn chưa thực hiện được, người nuôi rắn vẫn phải thu gom cóc ngoài tự nhiên làm nguồn thức ăn cho rắn. Đầu ra cũng chưa thực sự đảm bảo. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước rất hạn chế, lại không có quy định cụ thể về mức giá. Giá thành sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc. Dựa vào kết luận trên, Hội đồng khoa học đã đưa ra khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng trong việc mở rộng, phát triển mô hình nuôi rắn trước tình trạng chưa có quy trình kỹ thuật cụ thể, nguồn thức ăn còn bấp bênh và đầu ra chưa đảm bảo.

Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm tỉnh Hải Dương, phong trào nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu tại Chí Linh bắt đầu có từ vài năm trở lại đây. Do giá thành cao (50-70 ngàn đồng/quả trứng, 500-700 ngàn đồng/kg thịt) nên các hộ dân phát triển nghề nuôi rắn ngày một nhiều. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có tới 136 cá nhân, hộ gia đình đã đăng ký lập trại nuôi rắn sinh sản với quy mô trung bình từ 700-1000 con/hộ. Cóc là thức ăn chính trong quá trình nuôi rắn, nguồn cóc phục vụ nghề nuôi rắn mỗi năm lên đến hàng trăm tấn khiến lượng cóc ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm, dễ dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Việc chăn nuôi rắn tại địa phương chủ yếu là tự phát, người nuôi phần lớn thiếu các thông tin quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã. Do đó, công tác quản lý, phát triển còn gặp nhiều khó khăn, cần có phương hướng cụ thể điều chỉnh trong thời gian tới.

(TTXVN)