Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo Reuters, độc giả của nhật báo này sẽ phải trả tiền để có thể đọc được một số nội dung đặc biệt trên phiên bản điện tử, nghĩa là chấm dứt thời kỳ “đọc báo miễn phí”.
Về cơ bản, các tin tức chung vẫn sẽ được miễn phí nhưng nếu độc giả muốn đọc các bài viết, phỏng vấn, điều tra hay hình ảnh độc quyền thì phải trả tiền. Bild gọi mô hình thu phí này là “freemium”, ghép từ hai từ “free” (miễn phí) và “premium” (có chất lượng cao). Điều này khác với mô hình của báo New York Times ở Mỹ là giới hạn số bài viết mà độc giả được đọc miễn phí trong tháng.
Bù đắp doanh thu quảng cáo
Dịch vụ thu phí mới của Bild có tên gọi BILDplus, cung cấp cho độc giả ba gói cước khác nhau (với gói rẻ nhất là 4,99 euro/tháng, 1 euro = 27.000 đồng VN) cho phép độc giả tiếp cận tất cả các nội dung trên trang điện tử của báo này theo các mức độ và ưu đãi khác nhau.
Ví dụ với 14,99 euro/tháng, độc giả sẽ đọc được phiên bản điện tử của báo và một xấp coupon để có thể đem ra sạp báo đổi lấy báo in. Ngoài ra, Bild cũng sẽ cung cấp cho những độc giả mua báo in quyền truy cập nội dung online trong một ngày với giá chỉ 0,7 euro.
Số lượng ấn bản báo in của Bild đang sụt giảm. Theo số liệu mới nhất, trong quý 1 năm nay, Bild bán được 2,46 triệu bản/ngày so với năm ngoái là 2,67 triệu bản/ngày. Năm 1998, Bild từng có số lượng phát hành báo in lên đến 4,51 triệu bản/ngày.
Tập đoàn truyền thông Axel Springer, đơn vị quản lý báo Bild, gần đây đã đẩy mạnh các mô hình kinh doanh trên mạng Internet trong bối cảnh số lượng phát hành báo in và cả doanh thu quảng cáo cứ ngày một sụt giảm.
Năm ngoái, tổng giám đốc Mathias Doepfner từng dự đoán thời kỳ đọc báo miễn phí có thể sẽ phải chấm dứt, bởi hình thức đọc báo trả tiền không chỉ quan trọng đối với phía xuất bản mà còn là vấn đề sống còn đối với các nhà quảng cáo.
Cũng vào cuối năm ngoái, Axel Springer đã giới thiệu dịch vụ đọc báo trả tiền đối với một số nội dung trên trang điện tử của báo Die Welt, theo mô hình của các tờ báo như Financial Times, Wall Street Journal hay Britain’s Times. Dịch vụ này đã thành công bước đầu. “Chúng tôi đã có số thuê bao điện tử nhiều hơn cả lượng phát hành báo giấy. Đây là điều đáng khích lệ”- ông Mathias Doepfner cho biết.
Hướng đi được kỳ vọng
Báo Telegraph cho biết việc Bild bắt đầu thu phí đọc báo diễn ra trong bối cảnh các tờ báo ở châu Âu đang chật vật để tồn tại vì số lượng phát hành và doanh thu quảng cáo cứ ngày một giảm.
Các nhà phân tích nói các tờ báo khắp châu lục này đang theo dõi sát sao mô hình của Bild và xem có thành công hay không trong khi nhiều báo đang hi vọng sẽ đi theo mô hình này. Cách làm của Bild được đánh giá là một nỗ lực đáng kể để buộc độc giả ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này phải trả phí đọc báo trực tuyến.
Giám đốc điều hành bộ phận kỹ thuật số của Bild, bà Donata Hopfen, nhận định: “Đây là một sự thay đổi trong mô hình hướng tới văn hóa trả tiền cho các nội dung báo chí trực tuyến. Đây là một dự án khổng lồ”.
Về lâu dài, Bild có thể sẽ tăng tỉ lệ nội dung “có chất lượng cao” với hi vọng độc giả sẽ dần quen với việc thu phí. Ông Doepfner thừa nhận hình thức này có thể không thành công nhưng mô hình trả phí đọc báo trực tuyến là một xu hướng ngày càng rõ.
Một tờ báo trực tuyến hàng đầu khác ở Đức là Spiegel Online cho đến nay vẫn phản đối ý tưởng thu phí đọc báo. Sau khi thay đổi dàn lãnh đạo hồi đầu năm, có vẻ như quan điểm này đang thay đổi nhưng báo này vẫn chưa công bố bất cứ kế hoạch nào.
Ở Anh, như báo Guardian cho biết, tờ The Sun mới đây cũng công bố kế hoạch thu phí đọc báo điện tử với gói cước 2 bảng (khoảng 60.000 đồng VN) một tuần. Đổi lại, độc giả sẽ được tiếp cận bản điện tử trên trang web của báo này cùng gói điểm tin bóng đá.
Các nhà quan sát nhận định tiếp bước các tờ báo Mỹ thu phí đọc báo điện tử, báo chí châu Âu về tổng thể cũng đang ngả theo xu hướng này trong bối cảnh doanh thu giảm khiến nhiều tờ báo có nguy cơ bị đóng cửa và độc giả chuyển dần sang xem tin tức trên máy tính hoặc máy tính bảng. Nhật báo kinh tế lớn thứ hai của Đức là Financial Times Deutschland đã phải đóng cửa hồi năm ngoái. Báo Frankfurter Rundschau đã nộp đơn xin phá sản và sa thải toàn bộ nhân viên. Hãng tin Đức DADP cũng mới phá sản, còn hầu hết các tờ báo khác đang phải chật vật tìm cách cắt giảm chi phí khi doanh thu quảng cáo sụt giảm.
Tại Đức, số người đọc báo giấy cũng sụt giảm trong những năm qua. Từ năm 2000 - 2011, số phát hành báo giấy nhìn chung đã giảm 22%, từ 24 triệu bản còn 18,9 triệu bản/năm.