Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ngành nghiên cứu côn trùng đang bị mai một?

(00:26:16 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - - Trong lĩnh vực côn trùng học, Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia và Myanma. Hội côn trùng học Việt Nam được thành lập đã hơn 40 năm, nhưng không nhận được kinh phí đầu tư ngoài đóng góp tự nguyện. Phải chăng ngành côn trùng học đang mai một?

Theo GS.TSKH Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội côn trùng học Việt Nam, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học về côn trùng tại Việt Nam đông đảo không thua kém bất cứ ngành khoa học nào, đạt khoảng trên 600 người. Đó là chưa kể, những người có am hiểu khá tốt về côn trùng ở các chi cục BVTV, bệnh viện trung ương và địa phương.
 

TS Trương Xuân Lam, Phòng Côn trùng học thực nghiệm,

Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật đang kiểm tra mẫu côn trùng (Ảnh: Minh Cường)

 

 


Tiềm năng lớn…

Ở hầu hết các trường đại học đều có ngành nghiên cứu về côn trùng nằm rải rác trong các khoa sinh học, y, dược, thú y, công nghệ thực phẩm của Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, đại học khối Nông- Lâm- Ngư. Ngoài ra, tại nhiều viện nghiên cứu như Viện Bảo vệ thực vật; Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật; Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương, Quy Nhơn… còn có hẳn khoa hoặc bộ môn về côn trùng.



Tuy đông về số lượng, nhưng số người nghiên cứu được coi là những nhà côn trùng học thì chỉ trên dưới 100 người. Đã có 6 hội nghị về côn trùng học toàn quốc được tổ chức nhưng chưa lần nào số lượng báo cáo nghiên cứu đăng trong kỷ yếu khoa học vượt quá 200 bài, mặc dù sau 3 năm mới tổ chức hội nghị một lần, thậm chí có hội nghị chỉ tuyển chọn được 70-80 bài có chất lượng.



GS.TSKH Vũ Quang Côn cho rằng, nếu so sánh nghiên cứu trong lĩnh vực côn trùng học thì Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia và Myanma. Còn đối với Thái Lan, Singapore, Malaysia thì Việt Nam chỉ đang đứng ở mức trung bình. Không phải Việt Nam không có các nhà nghiên cứu côn trùng đạt tầm cỡ thế giới, nhưng số lượng đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 


Để các công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín ở nước ngoài, hay các công trình nghiên cứu lớn ở trong nước hầu hết phải đứng tên chung hoặc nghiên cứu cùng với các nhà khoa học nước ngoài.

 

Nhà khoa học đang “tự bơi”

Một đề tài nghiên cứu mới đây của phòng Côn trùng học thực nghiệm có thời gian thực hiện trong 2 năm và được cấp kinh phí hơn 2 trăm triệu đồng, trong khi mọi chi phí từ điện, nước, đi lại… đều phải lấy từ nguồn ngân sách đó. Chưa hết, để một đề tài nghiên cứu được duyệt triển khai và cấp kinh phí cũng không phải là điều dễ dàng.



Thực trạng “tự bơi” đang là nỗi bức xúc của nhiều nhà côn trùng học hiện nay... “Không có nguồn thu khiến không ít nhà khoa học rẽ ngang chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu khác hoặc chuyển sang làm kinh doanh, khiến cho khoa học côn trùng đang đứng trước nguy cơ mai một”, KS Hoàng Vũ Trụ, phòng hệ thống học côn trùng - Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật tâm sự.



Trong khi đó, GS.TS Vũ Quang Côn than phiền, mặc dù Hội côn trùng học Việt Nam được thành lập đã hơn 40 năm, nhưng nguồn kinh phí hoạt động của hội dựa trên sự tự nguyện đóng góp của các hội viên và không có sự đầu tư nào của nhà nước. Vì thế, vai trò của hội đối với sự phát triển nền khoa học côn trùng ở Việt Nam chỉ có thể dùng lại ở mức động viên, trao đổi các vấn đề khoa học bằng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chứ không có khả năng hỗ trợ kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu.



“Chừng nào nhà khoa học chưa sống được bằng nghề thì sự hiểu biết đó sẽ không có cơ hội tăng lên”, GS.TS Vũ Quang Côn kết luận.

Côn trùng, hay sâu bọ, là những động vật không xương sống có tên khoa học là lớp Insecta (lớp Côn trùng). Hơn 1 triệu loài côn trùng đã được mô tả. Khoa học nghiên cứu về côn trùng được gọi là côn trùng học (entomology).

Bên cạnh nhiều loài có lợi cho môi trường và con người như ong, bướm, kiến... chỉ có 0,1% các loài côn trùng là đi ngược lại lợi ích của con người. Một số côn trùng sinh ra những chất hữu ích như mật, sáp, tơ.

Côn trùng được sử dụng làm thức ăn cho con người (entomophagy) như một nguồn protein trong dinh dưỡng. Nhiều côn trùng, đặc biệt là các loài cánh cứng chuyên ăn xác chết, cây mục, trả lại môi trường các dạng hữu ích cho các sinh vật khác sử dụng.

 

Theo Minh Cường/Đất Việt