Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Coi khu DTSQ Tây Nghệ An như phòng thí nghiệm sống

(00:26:12 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Cần coi khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An như một “phòng thí nghiệm sống” để thử nghiệm và chứng minh việc quản lý tổng hợp đất, nước, đa dạng sinh học, cũng như việc sử dụng những tập quán bản địa để làm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu - bà Katherine Muller Marin, trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Giáo dục Khoa học&Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, nói.

>> Trao bằng công nhận Khu Dự trữ Sinh quyển Tây Nghệ An

 

“Chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với kho báu đa dạng sinh học vô cùng dồi dào của Tây Nghệ An, các khu rừng nhiệt đới, góp phần tạo nên tiềm năng to lớn của khu vực này về du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học cùng các hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục môi trường”, bà Katherine phát biểu tại lễ công bố bằng chứng nhận Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An ngày 29/4.

 

 

 

Lớn nhất Đông Nam Á

 

Ông Dương Quốc Thanh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao, cho biết khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Tây Nghệ An với diện tích 1.303.285 ha là khu DTSQ lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á  tạo nên một hành lang sinh thái với sự kết nối của ba vùng lõi là các khu rừng đặc dụng với mật độ đa dạng văn hóa, đa dạng sinh học cao.

 

“Đây là một trong số ít các khu được bảo tồn còn khá nguyên vẹn với mật độ che phủ trên 80%, là cơ hội thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu quốc gia và quốc tế” ông Thanh nói.

 

 

Bà Katherine nói: Các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đang có những đóng góp cụ thể vào việc bảo vệ hệ sinh thái của trái đất.

 

Theo GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Con người&Sinh quyển Việt Nam, khu DTSQ Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận ngày 18/9/2007, nằm trong số 564 khu dự trữ sinh quyển thuộc 109 quốc gia (tính đến tháng 6/2010).

 

Khu DTSQ Tây Nghệ An kết nối ba vùng lõi là Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt và Khu BTTN Pù Huống tạo nên một hành lang bảo tồn duy trì tính liên tục cảnh quan và sinh thái, đa dạng sinh học với nhiều loài đặc hữu, quí hiếm của khu vực.

 

 

Giá trị bảo tồn da dạng sinh học sinh của khu DTSQ thể hiện ở sự có mặt của gần 2.500 loài, trong đó khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao; 130 loài động vật lớn nhỏ; 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá và 39 loài dơi... Trong đó có hơn 70 loài thực vật và 80 loài động vật có trong sách đỏ Việt Nam, như sao la, chà vá chân nâu, mang lớn, thỏ vằn, sa mu dầu...

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc cho rằng khu DTSQ không những góp phần làm tốt môi trường sống, là lá phổi điều hòa nhiệt độ, giữ nước, chống biến đổi khí hậu, cân bằng sinh thái mà còn là nơi phục vụ các hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học, tăng giá trị công tác bảo tồn.

 

 

Có thể giúp dân giảm nghèo

 

Khu DTSQ là nơi sinh sống của 884.000 người thuộc bảy dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, HMông, Đan Lai, Ơ Đu (chỉ còn lại khoảng 340 người). Mặc dù sở hữu nguồn đa dạng sinh học giàu có nhưng đây là một trong những nơi nghèo nhất cả nước với mức thu nhập bình quân đầu người 513 USD (năm 2010).

 

Theo GS.TS Hoàng Trí, khu DTSQ Tây Nghệ An là mô hình cho phát triển bền vững mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau với phương châm bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn. Khu sinh quyển này là đại diện cho các hệ sinh thái, vùng địa lý sinh học có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học tạo điều kiện cho phát triển bền vững vùng với diện tích lớn thực hiện ba chức năng bảo tồn, phát triển, gìn giữ các giá trị văn hóa với sự tham gia của cộng đồng, thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục, đào tạo…

 

 

 

GS.TS Hoàng Trí: Một trong các giá trị của khu sinh quyển là khả năng hấp thu các chất thải khí nhà kính, hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

 

 

Điều này đang tạo lợi thế cho khu DTSQ phát triển du lịch sinh thái, thu hút đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế. Một số khu DTSQ ở Việt Nam đang có những hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực này như Cát Bà, Kiên Giang, Cù Lao Chàm-Hội An, Mũi Cà Mau…

 

“Những giá trị của bảo tồn nếu được khai thác khôn khéo sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân địa phương, nhất là các địa phương nghèo khó, vùng sâu vùng xa”, ông Trí chia sẻ.

 

 

Hầu hết các khu di sản và sinh quyển đều tạo ra cơ hội hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Từ phát triển du lịch sẽ kéo theo phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục đào tạo ngành nghề mới.

 

 

Nguồn thu nhập từ các hoạt động du lịch sẽ có được những giá trị gia tăng nếu biết cách phát triển kinh tế chất lượng, bao gồm việc đăng ký nhãn mác sản phẩm và chỉ dẫn địa lý cho các sản vật của địa phương, các nhãn hiệu hàng hóa có chất lượng cao, được gọi là kinh tế chất lượng.

 

 

Cùng với sự nổi tiếng của khu di sản và sinh quyển các loại hàng hóa này dễ dàng được nhiều người biết đến và mang lại những lợi ích kinh tế rất lớn ở một số quốc gia. Khu DTSQ Cát Bà đang có những hoạt động tốt về lĩnh vực này.

 

 

“Để biến ý tưởng xây dựng khu DTSQ thành mô hình cho phát triển bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo, khu DTSQ miền Tây Nghệ An cần kêu gọi đầu tư kết nối hành lang bảo tồn ba vùng lõi, ba khu bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và kinh tế chất lượng nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm địa phương”, ông Trí nhấn mạnh.

 

 

 

- Việt Nam hiện có tám khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có sáu khu dự trữ đã được UNESCO cấp bằng chứng nhận gồm khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Rừng Ngập mặn Cần Giờ, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Quần đảo Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, và khu dự trữ sinh quyển - Cù Lao Chàm.

 

 

Bafi, ảnh: Phạm Mạnh