Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp - nơi thu hút du khách tìm lại dấu tích Người tình - Ảnh: Khánh Ngọc |
Hơn 20 năm kể từ khi bộ phim Người tình (L’amant) của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud (dựa trên tiểu thuyết tự truyện cùng tên của nữ văn sĩ nổi tiếng Marguerite Duras) được công chiếu, một lần nữa cung đường sông nước miền Tây mà Người tình từng đi qua lại dậy sóng.
Nhóm tay máy mê chụp ảnh trên những cung đường du lịch bằng xe máy đã hẹn hò nhau cùng “Theo dấu Người tình” - chủ đề của Photo Tour 2013 kết thúc vào giữa tháng 5-2013 sau bốn ngày đi qua cung đường sông nước miền Tây dài hơn 550km. Chuyến đi đã đem nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê du lịch bằng xe gắn máy và ghi nhật ký bằng hình ảnh, khám phá vẻ đẹp đất nước, con người miền Tây Nam bộ phóng khoáng.
Nét đẹp sông nước miền Tây
Đây là lần đầu tiên các nhà tổ chức Công ty Mây Cộng Mây, Piaggio VN, Canon, Bia Peroni, báo Thể Thao Và Văn Hóa gặp nhau ở ý tưởng thực hiện Photo Tour du lịch về miền Tây sông nước kết hợp với cuộc thi ảnh đẹp. Các thành viên đoàn du ký đã sáng tác hàng ngàn bức ảnh đẹp về khung cảnh và con người miền Tây.
Tour “Theo dấu Người tình” mở đầu cho hành trình du lịch vòng quanh VN trên những chiếc xe hai bánh của những người đam mê di chuyển và ghi nhật ký bằng hình ảnh, khám phá vẻ đẹp của nhiều vùng đất và con người VN. |
Khởi hành từ Sài Gòn, buổi sáng trong xanh tươi nắng, đoàn xe Vespa với hơn 40 tay máy háo hức lên đường săn tìm bóng dáng Người tình trên nẻo đường sông nước đổ dài qua Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh, Cần Thơ. Vừa ra khỏi chốn thị tứ khói bụi, cửa ngõ miền Tây mở ra xanh mướt những vườn cây trái, đường làng quanh co bóng tre rợp mát, dòng kênh xanh ngắt cổng chào rừng lá dừa nước êm ả in bóng con đò nhỏ...
Ấn tượng nhất vẫn là những chuyến phà qua sông. Buổi chiều ngày đầu tiên, mọi người đã có được trải nghiệm thú vị trên chuyến phà nhỏ ở bến phà An Bình, tỉnh Vĩnh Long. Con phà nhỏ khá giống với chiếc phà qua sông đoạn từ Sa Đéc đi Vĩnh Long trong phim Người tình với những song sắt bên mạn phà. Dù lúc ấy trời chiều nhá nhem và bắt đầu đổ mưa lâm râm, ai nấy náo nức tìm góc máy đẹp. Chiều sẫm muộn. Những lò gạch ven sông thị xã Sa Đéc in lên nền trời hoàng hôn vầng mây vàng xuộm, gợi lên miền cảm xúc mênh mang da diết nơi quê hương Người tình.
Điểm nhấn mong đợi của chuyến đi chính là nhà cổ Người tình - Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc. Ngôi nhà này không xuất hiện trong phim Người tình, mà chỉ nằm trong cõi nhớ sâu lắng của nữ văn sĩ Marguerite Duras khi bà viết tiểu thuyết tự truyện Người tình lúc về già. Ngôi nhà cổ nằm ở số 255A Nguyễn Huệ, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt ven sông. Không chỉ chuyện tình nổi tiếng của đôi tình nhân lôi kéo bao du khách tìm đến ngôi nhà cổ, mà còn là lối kiến trúc cổ điển hòa quyện nét đẹp Đông - Tây độc đáo.
Mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước và vòm cửa mang dáng cong chạm khắc các phù điêu hoa lá cây cỏ, chim muông theo kiểu La Mã xưa. Bước vào bên trong gian nhà, một không gian cổ mở ra với các cánh cửa, cột nhà, bàn thờ... đều sơn son thếp vàng. Gây cảm xúc mạnh nhất là góc nhà trưng bày chiếc máy hát đĩa than quay tay xưa.
Mê mải săn ảnh đẹp trên xe hai bánh
Đi lại cung đường Người tình, đoàn Photo Tour đã có vô vàn trải nghiệm thú vị và chụp hàng ngàn ảnh đẹp suốt dọc đường khám phá văn hóa, lịch sử, cảnh đẹp, ẩm thực và con người miền Tây xuyên suốt hành trình trải dài từ TP.HCM đến thị xã Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, vườn cò Bằng Lăng, chợ nổi Cái Răng, cù lao Thới Sơn... Chặng đường dài mà lại quá nhiều cảnh đẹp miền sông nước.
Đang bon bon chạy trên đường lộ lớn hay những đường làng quanh co xanh mát bóng tre, các tay máy lại nổi hứng bất chợt dừng lại “đốt cháy” bao nhiêu thẻ nhớ với những vạt hoa tím dại ven đường, nếp nhà đơn sơ trên con đò nhỏ, cánh đồng lúa chín vàng mênh mông, đường làng quanh co rợp bóng dừa, những em bé hồn nhiên nhảy ùm tắm ao trước nhà...
Một trong những cảnh đậm chất miền Tây khiến các tay máy mải mê sáng tác ảnh nhất là cảnh đám khói đốt đồng trong lúc chiều tà, trên đường từ Sa Đéc về Cần Thơ. Lọn khói đốt đồng loang dài hư ảo trong nắng hoàng hôn dìu dịu nhuộm vàng cánh đồng trơ gốc rạ và cỏ hoang sau mùa gặt, làm dậy sóng nỗi nhớ nôn nao một miền quê cũ trong tâm thức bao người. Và rồi những tay máy say sưa lao vào bụi khói đốt đồng, lăn lê bò toài trên đất ruộng trơ gốc rạ và cỏ hoang để tìm góc máy đón lấy những lượn sóng khói đẹp nhất.
Đôi khi chẳng kịp dừng lại do hành trình còn dài trước mắt, mọi người cứ thay nhau người cầm lái, người ngồi sau bấm máy liên tục trong khi những “chú ngựa sắt” Vespa vẫn chạy rong ruổi không ngừng nghỉ trong cái nắng gió miền Tây lồng lộng. Và quên làm sao được mùi vị món ăn miền Tây hoang dã ngon lạ lùng đối với những ai lần đầu thưởng thức. Ai nấy đều xuýt xoa nếm thử ốc bươu hấp hèm với chuối xanh ở Trà Vinh, gỏi tép bông điên điển, chả giò cua ở Sa Đéc, lẩu cua đồng và chuột đồng quay lu ở Cần Thơ... Những bức ảnh món ngon miền Tây hấp dẫn cứ thế được đăng tải “nóng hổi” mỗi ngày trên trang Facebook của các tay máy trong đoàn.
Hoạt động cộng đồng ý nghĩa nhất của đoàn du ký là tham gia chụp ảnh lấy ngay miễn phí cho người dân địa phương tại làng Sâm Bua của bà con người Chăm gần khu vực ao Bà Om - chùa Angkorajaborey, tỉnh Trà Vinh. Bà con người Chăm trong làng rất vui khi “lần đầu được chụp nhiều hình đẹp không phải trả tiền, tụi tui quanh năm chỉ mong kiếm đủ tiền cho cái ăn chứ làm gì có tiền chụp hình”.
Sau những ngày rong ruổi săn tìm bóng dáng Người tình trên những chuyến phà, những con đường xanh mướt màu lá chuối non, đoàn Photo Tour lưu luyến chia tay miền Tây sông nước mưa nắng thất thường với bao cảm xúc lưu luyến khó quên. Như thành viên “lão làng” có biệt danh Doigiaymoi chia sẻ: chuyến đi đã khiến “tình thân lớn dần theo vòng bánh Vespa quay. Điều hạnh phúc nhất chính là mối ràng buộc tình cảm đạt được và sự an toàn tuyệt đối khi kết thúc chuyến đi”.
Còn đối với anh chàng Biendaikho đến từ thành phố biển Nha Trang thì “con người phương Nam thật là dịu dàng, những con đường quê và miệt vườn miền Tây thật thanh bình”.