Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hiện trạng và tác động của ô nhiễm môi trường tại TP.HCM và Việt Nam

(16:13:29 PM 27/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Trong nhiều năm qua, cùng với quá trình đổi mới, phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói riêng và cả nước nói chung đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT). Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn có chiều hướng gia tăng, thậm chí có nơi xảy ra với mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sức khỏe, đời sống nhân dân.

 PGS.TS Nguyễn Văn Phước trình bày về “Hiện trạng và tác động của ô nhiễm môi trường tại TP. HCM và Việt Nam” sáng 23/5/2013 

 

1. Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và TP.HCM   

 

1.1. Hiện trạng ô nhiễm môi trường nước

 

Nguồn nước thải từ khu dân cư là một nhân tố không nhỏ góp phần gây ô nhiễm nguồn nước mặt. trong khi đó một bộ phận không nhỏ cộng đồng dân cư không quan tâm đến việc xử lý nước thải sinh hoạt, dẫn đến chất lượng nước kênh rạch thành phố càng ô nhiễm. Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010, kết quả quan trắc các đoạn sông chính trong cả nước, nhiều chất ô nhiễm trong nước có nồng độ vượt quá QCVN từ 1,5 – 3 lần. Còn tại các khu vực hồ, ao, kênh rạch và các sông trong khu vực nội thành các thành phố đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá mức QCVN 08:2008, vấn đề ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và Coliforms.

 

Tại TP.HCM, kết quả quan trắc cuối năm 2012 của Tổng cục Môi trường ở khu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè và hệ thống các kênh rạch nội, ngoại thành cho thấy:

 

Hàm lượng oxy hòa tan (DO) tại tất cả các điểm quan trắc đều xấp xỉ hoặc thấp hơn so với QCVN 08:2008, cột B1. Đặc biệt, tại các điểm quan trắc ở kênh rạch nội và ngoại ô đều khá thấp, nhất là ở khu vực cầu Xáng (0,19 mg/l – nước lớn)

 

Hàm lượng SS tại các điểm quan trắc thay đổi nhiều, chỉ có khoảng 50% các điểm quan trắc đạt QCVN 08:2008, cột A1. Các điểm còn lại đều có hàm lượng SS vượt QCVN 08:2008, cột B1 từ 1,2 – 7,0 lần. Nguyên nhân có thể tại các vị trí này, do lượng tàu thuyền vận tải trên sông qua lại nhiều làm khuấy động nước mạnh.

Hàm lượng N-NH3 tại một số điểm quan trắc thuộc kênh rạch nội và ngoại ô thành phố vượt QCVN 08:2008, cột B1, cao gấp 3,5 – 4,5 lần. Hầu hết các điểm còn lại đều đạt QCVN 08:2008, cột A1. Hàm lượng N-NH3 cao nhất tại giao rạch Cây Khô – rạch Tắc Bến Rô (2,92 mg/l), cao gấp 5,8 lần so với QCVN 08:2008, cột B1.

 

Hàm lượng BOD5 tại hầu hết các điểm quan trắc đều đạt QCVN 08:2008, cột A1, 25% còn lại có giá trị BOD5 vượt TCCP từ 1,3 – 1,8 lần. Hầu hết hàm lượng COD cũng đều đạt QCVN 08:2008, cột B1, một số nơi đạt quy chuẩn cột A1 như: Cầu Tan Thuận, Sông Đồng Nai (phà Cát Lái và bến đò Hãng Da). Riêng đối với Trạm bơm Hóa An, trạm bơm Hòa Phú đều có giá trị BOD5 và COD ở mức thấp, đạt và xấp xỉ giá trị cột A1 của QCVN 08:2008.

 

Ô nhiễm vi sinh (Coliforms) khá cao tại các điểm quan trắc ở TP.HCM và ngay cả ở các điểm quan trắc trên các sông lớn (Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè) thể hiện rõ ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt đô thị. Hàm lượng Coliforms hầu hết đều vượt QCVN 08: 2008, cột B1 từ 1,3 – 24,9 lần, cao nhất là ở khu vực Cầu Phú Mỹ.

 

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Tại Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các qui định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.

 

Theo kết quả thống kê các nguồn thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM từ năm 2010 đến 2012 được thực hiện trên địa bàn 24 Quận/huyện với 826 nguồn thải, chỉ có khoảng 60% nguồn thải có hệ thống xử lý nước thải, các nguồn thải còn lại chỉ qua xử lý sơ bộ (bể tự hoại) trước khi xả thải ra môi trường. Điều đáng lưu ý là trong số các nguồn thải được khảo sát thì có đến 44% các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 50m3/ngày.đêm, đây là nguồn thải đóng góp đến 90% cả về lưu lượng và tải lượng ô nhiễm.

 

Thống kê nguồn thải theo ngành nghề cũng cho thấy, các ngành chiếm số lượng nhà máy lớn gồm: dệt nhuộm, may mặc (21%), sản xuất sản phẩm từ kim loại (11%), hoá chất (9%), thực phẩm (8%). Trong đó, các ngành nghề có hệ số phát thải cao như: dệt nhuộm, giấy, thực phẩm đóng góp đến 56% tổng tải lượng COD. Cũng theo báo cáo, tải lượng ô nhiễm COD cao nhất tập trung ở Quận Tân Bình (chiếm 25% tổng tải lượng COD) do các nguồn thải có quy mô lớn và nằm trong nhóm ngành nghề có hệ số phát thải cao, tiếp theo là Quận 12 (15%) và Thủ Đức (11%).

 

1.2. Hiện trạng phát sinh và xử lý chất thải rắn (CTR)   

 

CTR sinh hoạt: Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2011 – Chất thải rắn, Tổng khối lượng CTR đô thị phát sinh vào khoảng 8.700 - 8.900 tấn/ngày, trong đó, CTR xây dựng (xà bần) chiếm khoảng 1.200 - 1.500 tấn/ngày và CTR sinh hoạt trung bình từ 6.200 - 6.700 tấn/ngày. Ước tính tỷ lệ gia tăng khoảng 8 - 10%/năm. Trong đó, lượng CTR đô thị phát sinh chủ yếu tập trung ở hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM: lượng chất thải rắn sinh hoạt ở TP.HCM khoảng 7.081 tấn/ngày, Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày (TCMT, 2011). Tỷ lệ thu gom trung bình ở các đô thị từ 72% năm 2004 tăng lên khoảng 80 - 82% năm 2008 và đạt khoảng 83 - 85% cho năm 2010. Mặc dù tỷ lệ thu gom có tăng nhưng vẫn còn khoảng 15 - 17% CTR đô thị bị thải ra môi trường vứt vào bãi đất, hố đất, ao hồ, hoặc đốt lộ thiên gây ô nhiễm môi trường.

 

Phương pháp xử lý CTR sinh hoạt tại các đô thị từ loại IV trở lên trong 6 vùng kinh tế nước ta đang sử dụng chủ yếu là phương pháp chôn lấp. Hầu hết mỗi đô thị đều có một bãi chôn lấp CTR sinh hoạt, tại các đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đều có 2 – 5 bãi chôn lấp/khu xử lý CTR. Các phương thức chôn lấp CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh 82/98, chỉ có 16 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (tập trung ở các thành phố lớn). Các bãi thải còn lại, CTR phần lớn được chôn lấp rất sơ sài. Bên cạnh đó là việc sử dụng các công nghệ khác chỉ có ở 9 đô thị là thành phố Hồ Chí Minh; TP. Hà Nội; TP. Nam Định; TP. Thái Bình; TP. Vinh; TP. Huế; TP. Phan Rang; TP. Vũng Tàu. Nhưng nhìn chung các phương pháp này vẫn chưa đem lại hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường cao như một số nhà máy chế biến phân vi sinh với công nghệ đơn sơ nên hoạt động không có hiệu quả.

 

Tại TP.HCM, báo cáo Quan trắc môi trường tại các khu xử lý rác thải năm 2012, cho thấy:

 

Chất lượng không khí tại các khu vực bãi chôn lấp khá tốt, thâp hơn ngưỡng QCVN/BTNMT, QCVN 06:2009/BTNMT và QCVN26:2010/BTNMT. Riêng tại Khu liên hợp xử lý CTR Tây Bắc, có 1 vị trí thông số NH3 vượt chuẩn 1 – 1,29 lần theo QCVN 06 :2008/BTNMT (NH3 < 200µg/m3). Vị trí này nằm cuối hướng gió, chịu tác động bởi khí thải phát sinh từ BCL Phước Hiệp 2.

 

Môi trường nước ngầm:

 

Khu liên hợp xử lý CTR Tây Bắc: nước ngầm trong khuôn viên Khu liên hợp xử lý CTR Tây Bắc – Củ Chi đã bị ô nhiễm dinh dưỡng và vi sinh: mức độ vượt chuẩn NH3 lên đến 7,5 lần và coliforms là 200 lần.

 

Bãi chôn lấp rác Gò Cát: nước ngầm khu vực bãi chôn lấp đã bị ô nhiễm dinh dưỡng và coliforms: 3/3 vị trí có hàm lượng N-NH4+ vượt quy chuẩn (QCVN 09:2008/BTNMT) từ 5 – 9,3 lần; 02/03 vị trí có hàm lượng coliforms vượt quy chuẩn 3,7 – 7 lần.

 

Bãi chôn lấp Đông Thạnh: Các chỉ tiêu COD, nitrat, coliforms đều đạt QCVN 09:2008/BTNMT. Hai thông số bị ô nhiễm là N–NH4+ (vượt chuẩn là 2,7 – 3,7 lần) và pH thấp (4,08 – 5,59).

 

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước: nước ngầm trong khuôn viên Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước đã bị ô nhiễm chất dinh dưỡng và vi sinh: 2/3 giếng không đạt QCVN 09:2008/BTNMT ở thông số pH, 3/3 giếng bị ô nhiễm N-NH4+, mức độ ô nhiễm vượt QCVN 09 – 2008/BTNMT từ 5,6 – 13,1 lần; 3/3 giếng bị nhiễm vi sinh từ 3,7 – 133 lần.

 

Chất lượng nước thải sau xử lý: tại các bãi chôn lấp và khu xử lý CTR tại TP.HCM đạt QCVN 25:2009/BTNMT, cột B.


Đối với CTR Công nghiệp:
Theo Vụ quản lý các Khu kinh tế thuộc Bộ KH&ĐT, mỗi ngày các KCN thải ra tương đương khoảng gần 3 triệu tấn mỗi năm, trong đó 3 vùng Kinh tế trọng điểm chiếm khoảng 80% tổng lượng CTR công nghiệp, cao nhất là Khu kinh tế trọng điểm phía Nam, 3.437 tấn/ngày (2009).
  

 

CTR Y tế: Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2009 – 2010, tổng lượng phát thải CTR Y tế của cả nước khoảng 100 – 140 tấn/ngày, trong đó có 16 – 30 tấn là CTR Y tế nguy hại. Khối lượng CTR y tế nguy hại được xử lý đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm 68%, CTR y tế xử lý không đạt tiêu chuẩn (32%) là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Tại TP.HCM, khối lượng thu gom, xử lý CTR y tế trong năm 2012 là 5.809.637 kg/năm. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế phát sinh tại các bệnh viện, các trung tâm lớn được thu gom 100%; Riêng các phòng khám nhỏ lẻ thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt 85-90%, còn 10-15% thải bỏ chung với chất thải rắn sinh hoạt. Công nghệ xử lý chất thải rắn y tế hiện nay ở TP.HCM chủ yếu là công nghệ đốt tiêu hủy. Trong năm 2012, thành phố đã tăng công suất tiếp nhận xử lý chất thải rắn y tế lên 32 tấn/ngày bao gồm: lò đốt 4 tấn/ngày (đang đại tu) và 7 tấn/ngày hoạt động tại Bình Hưng Hoà (Bình Tân) và 21 tấn/ngày tại công trường Đông Thạnh (Hóc Môn).

 

2. Các tác động do ô nhiễm môi trường

    

2.1. Ô nhiễm môi trưởng ảnh hưởng đến sức khỏe   

 

Ô nhiễm môi trường nước

 

Ô nhiễm nước là sự thay đổi theo chiều xấu đi các tính chất vật lý – hoá học – sinh học của nước, với sự xuất hiện các chất lạ ở thể lỏng, rắn làm cho nguồn nước trở nên độc hại với con người và sinh vật, làm giảm độ đa dạng sinh vật trong nước. Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mãn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư… ngày càng tăng.

 

Sự tăng nồng độ chất rắn lơ lửng (TSS) trong nước có thể sẽ tác động bất lợi đến hệ sinh thái các sông, chẳng hạn: làm giảm tầm nhìn của động vật nước và do vậy cản trở sự bắt mồi; chất rắn lắng đọng và che phủ lên trứng, nên cản trở sự nở trứng của các loài động vật nước… Mặt khác, TSS cao sẽ làm giảm thẩm mỹ nguồn nước, làm giảm chất lượng nước cấp cho các mục đích khác nhau, làm tăng chi phí xử lý nước cấp cho sinh hoạt… Sự tăng mức ô nhiễm bởi các chất ô nhiễm hữu cơ dễ phân huỷ sinh học (BOD5) cũng đáng lo ngại.

 

Ô nhiễm dinh dưỡng cũng là một vấn đề cần quan tâm. Nếu không có các hành động kiểm soát các nguồn đưa nitơ và photpho vào các lưu vực, về lâu dài mức phú dưỡng ngày càng tăng lên, đe doạ sự suy thoái các hệ sinh thái thuỷ vực và đồng thời chất lượng nước giảm xuống, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu thụ nước cho ăn uống. Thực tế, khi tảo phát triển bùng nổ trong các lưu vực, kèm theo sẽ phát sinh các tảo độc hoặc các chất độc từ tảo sẽ đi vào nước và do vậy gây nguy hiểm cho người sử dụng nguồn nước đo cho sinh hoạt. Mặt khác, tảo độc có thể tích lũy trong động vật nước, gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu thụ động vật nước làm thực phẩm.

 

Bên cạnh đó, sự ô nhiễm vi khuẩn trong nước cũng gây lo lắng về sức khoẻ người tiêu thụ nước, đặc biệt là vào mùa khô, có thể gây các bệnh dịch về đường tiêu hoá (tả, lị, thương hàn…). Theo tổ chức y tế thế giới ghi nhận tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 9 ngàn ca tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Theo Ngân hàng Thế giới thì ở Việt Nam có đến 80% những ca bệnh lỵ và tiêu chảy đều do nguồn nước ô nhiễm.   

 

Ô nhiễm do CTR

 

Việc quản lý và xử lý CTR không hợp lý không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ con người, đặc biệt đối với người dân sống gần khu vực làng nghề, khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải... Người dân sống gần bãi rác không hợp vệ sinh có tỷ lệ mắc các bệnh da liễu, viêm phế quản, đau xương khớp cao hơn hẳn những nơi khác. Một nghiên cứu tại Lạng Sơn cho thấy tỷ lệ người ốm và mắc các bệnh như tiêu chảy, da liễu, hô hấp... tại khu vực chịu ảnh hưởng của bãi rác cao hơn hẳn so với khu vực không chịu ảnh hưởng

 

Hiện tại chưa có số liệu đánh giá đầy đủ về sự ảnh hưởng của các bãi chôn lấp tới sức khỏe của những người làm nghề nhặt rác thải. Những người này thường xuyên phải chịu ảnh hưởng ở mức cao do bụi, mầm bệnh, các chất độc hại, côn trùng đốt/chích và các loại hơi khí độc hại trong suốt quá trình làm việc. Vì vậy, các chứng bệnh thường gặp ở đối tượng này là các bệnh về cúm, lỵ, giun, lao, dạ dày, tiêu chảy, và các vấn đề về đường ruột khác.   

 

Tác động của ô nhiễm môi trường đến kinh tế – xã hội

 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm. Cụ thể, năm 2007 là gần 4 tỷ đô la trên tổng sản phẩm nội địa 71 tỷ đô la; năm 2008 tăng lên 4,2 tỷ đô la trên tổng sản phẩm nội địa 76 tỷ đô la. Ngoài khoản thiệt hại chung như trên, hằng năm, Việt Nam còn phải chi ra 780 triệu đô la cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên. Chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét khoảng 400 tỷ đồng. Thêm vào đó, bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng không nhỏ đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học, nghỉ làm làm cho cả người bệnh và người chăm sóc làm giảm 20% thu nhập.

 

Ô nhiễm môi trường cũng gây thiệt hại không nhỏ về hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản, trong đó sản lượng nuôi cá bè trên sông những năm gần đây đều giảm sút do ô nhiễm nguồn nước mặt. Những sự cố gây ô nhiễm nguồn nước trong thời gian ngắn của một số nhà máy, cũng gây ra thiệt hại về kinh tế đáng kể cho người sản xuất. Cụ thể như các vụ cá bè chết hàng loạt vào những năm 2008 và 2010 tại Đồng Nai và trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy.

 

Bên cạnh đó, hàng năm ngân sách của các địa phương phải chi trả một khoản khá lớn cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. Chi phí xử lý CTR tuỳ thuộc vào công nghệ xử lý: Mức chi phí xử lý cho công nghệ hợp vệ sinh là 115.000đ/tấn - 142.000đ/tấn và chi phí chôn lấp hợp vệ sinh có tính đến thu hồi vốn đầu tư 219.000 - 286.000đ/tấn (TP.HCM tổng chi phí hàng năm cho thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt khoảng 1.200 - 1.500 tỷ VNĐ). Chi phí xử lý đối với công nghệ xử lý rác thành phân vi sinh khoảng 150.000đ/tấn - 290.000đ/tấn (TP.HCM 240.000đ/tấn; thành phố Huế đang đề nghị 230.000đ/tấn; thành phố Thái Bình 190.000đ/tấn, Bình Dương 179.000đ/tấn). Chi phí đối với công nghệ chế biến rác thành viên đốt được ước tính khoảng 230.000đ/tấn - 270.000đ/tấn. (Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, 2010).

 

Chỉ tính riêng chi phí vận hành lò đốt CTR y tế đối với các bệnh viện có lò đốt, mỗi tháng bệnh viện tuyến trung ương chi phí trung bình khoảng 26 triệu đồng, bệnh viện tuyến tỉnh 20 triệu đồng, bệnh viện huyện 5 triệu đồng. Đối với các bệnh viện thuê Trung tâm thiêu đốt chất thải y tế vận chuyển và đốt rác, chi phí khoảng 7.500 đồng/kg. Chi phí vận hành lò đốt cho xử lý chất thải cho cụm bệnh viện là khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg CTR y tế nguy hại. Đối với một số bệnh viện đa khoa lớn, chi phí cho xử lý CTR y tế lên tới 100 triệu đồng/tháng.   

 

2.3. Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sinh thái và đa dạng sinh học

 

Việt Nam là một trong mười quốc gia có đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất thế giới, trong đó có các hệ sinh thái đặc thù với nhiều giống, loài đặc hữu có giá trị khoa học và kinh tế cao, nhiều nguồn gien quí hiếm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự đa dạng về sinh học ở Việt Nam đang bị suy giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do cháy rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai dẫn tới việc thu hẹp dần nơi cư trú của các loài, việc buôn bán trái phép động thực vật quí hiếm, … Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm do các chất thải khác nhau không được xử lý và đổ trực tiếp ra môi trường bên ngoài cũng đe dọa tới đa dạng sinh học: gây chết, làm giảm số lượng cá thể, gián tiếp hủy hoại nơi cư trú và môi trường sống của nhiều loài sinh vật hoang dã.   

 

2.4. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH)

 

Một trong những ảnh hưởng của môi trường đó là làm biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chính làm BĐKH trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và các bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven biển và đất liền khác. Những năm gần đây, biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng rõ rệt: trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,5- 0,7oC, trong đó nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè, nhiệt độ ở phía Bắc tăng nhanh hơn phía Nam. Riêng tại TP.HCM, từ năm 1960 đến nay, nhiệt độ đã tăng lên 2oC, mực nước biển đã dâng lên 20cm so với cách đây 10 năm,triều cường ở TP HCM cũng đạt đỉnh trong vòng 50 năm qua. Tại nhiều khu vực của miền Nam trước đây không bao giờ có bão thì nay, những cơn bão đã mang đến nhiều thiệt hại về người và tài sản.

 

Kết quả báo cáo Nghiên cứu giám sát tính dễ bị tổng thương do BĐKH năm 2012, trường hợp của Việt Nam cho biết, ước tính mỗi năm, BĐKH đã làm thiệt hại 5% GDP của Việt Nam, tương đương với 15 tỷ USD. Trong đó, nước biển dâng làm Việt Nam thiệt hại khoảng 4 tỷ USD mỗi năm; hàng năm, BĐKH làm chi phí năng suất lao động thiệt hại 8 tỷ USD; ngành ngư nghiệp là 1,5 tỷ USD; ngành nông nghiệp là 0,5 tỷ USD; lũ lụt và lở đất  là 200 triệu USD và 150 triệu USD chi phí hạ nhiệt phát sinh khi nhiệt độ tăng lên;…

PGS. TS. Nguyễn Văn Phước (Viện Môi trường và Tài nguyên)