Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tỉnh Đăk Nông hiện phát triển trên 29.500 ha cao su, trong đó có gần 7.200 ha đưa vào khai thác mủ, năng suất vườn cây đưa vào kinh doanh đạt trên 1 tấn mủ khô/ha. Các huyện Đăk Rlấp, Krông Nô, Tuy Đức và Cư Jut là những địa phương trồng nhiều cao su với diện tích đạt từ 5.000 đến 9.200 ha cao su. Phát triển cao su ở Đăk Nông dưới các hình thức: chủ sở hữu cao su quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân và nông hộ.
Các đơn vị sản xuất quốc doanh trồng cao su trên những đất tương đối bằng hoặc ít dốc, nguồn cây giống được chọn lọc và việc đầu tư chăm bón đầy đủ, chất lượng vườn cây tương đối tốt. Còn các hộ nông dân chỉ trồng cao su trên nương rẫy với quy mô từ vài ha đến trên chục ha. Trong đó, nhiều hộ trồng cây cao su trên vùng đất dốc, đất cát pha tầng canh tác mỏng; có hộ trồng cao su trên cả vùng đất trũng, dễ bị úng nước trong mùa mưa. Phần lớn các hộ nông dân sử dụng cây giống cao su mua trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc hoặc tự ươm và ghép cây giống nên chất lượng không bảo đảm. Đối với những vùng đất có tầng canh tác mỏng, trong vài năm đầu cây cao su chăm bón đầy đủ, cây phát triển xanh tốt. Nhưng từ năm thứ 3 trở đi, rễ cây cao su bị xoắn lại hoặc gặp đá bàn, vườn cây kém phát triển, lá vàng và dễ rụng. Một số ít hộ dân, ở các huyện Đăk Song, Krông Nô, Đăk Glong, Cư Jut trồng cao su sau 4-5 năm trên vùng đất không phù hợp, vườn cây kém phát triển, nay phải chặt bỏ để chuyển sang trồng cây hoa màu hoặc trồng rừng nguyên liệu, gây nên sự lãng phí công sức và tiền của.
Hiện nhiều vườn cao su của các hộ nông dân trồng trên vùng đất bazan màu mỡ, lại được chăm bón đầy đủ nên vườn cây phát triển khá tốt. Nhưng do nguồn giống trồng mua trôi nổi trên thị trường, chất lượng không bảo đảm nên đến thời kỳ kinh doanh, cạo mủ cho lượng sản phẩm ít. Điều đáng lo ngại là nhiều vườn cao su đang thời kỳ kiến thiết cơ bản, cây phát triển khá tốt, nhưng vì nguồn giống trước đây đưa vào trồng không rõ nguồn gốc nên khó đánh giá hiệu quả kinh tế về sau. Như vậy, bà con đã đổ ra nhiều công sức, tiền của để phát triển vườn cao su nhưng không thể biết được hiệu quả kinh tế sau khi đưa vào khai thác mủ. Do đó, điều đặt ra đối với ngành nông nghiệp, nhất là với cơ quan khuyến nông là cần kiểm soát chặt chẽ việc phát triển cao su trên các vùng đất tại địa phương; kiểm soát nguồn cung cấp cây giống để hướng cho nông dân và các doanh nghiệp phát triển cây cao su trên vùng đất thích hợp, nhằm bảo đảm phát triển sản xuất bền vững và có hiệu quả kinh tế.