Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cải thiện chất lượng môi trường với mục tiêu phát triển bền vững

(08:30:04 AM 25/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nêu rõ, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

 Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nêu rõ, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường. 

Chiến lược cũng đã đưa ra các mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, hạn chế thiên tai, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng; đồng thời đưa ra 7 nhóm chỉ tiêu giám sát, đánh giá bảo vệ môi trường. 

Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã định hướng các nội dung cơ bản của công tác bảo vệ môi trường, trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, phát triển bền vững đất nước. Đây là căn cứ hết sức quan trọng để xác định mục tiêu, định hướng các nội dung, biện pháp cụ thể và các giải pháp tổng thể của Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đó là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, với quan điểm phát triển kinh tế-xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường. Cụ thể như đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng phải đạt 45%; hầu hết người dân đều được sử dụng nước sạch; 80% cơ sở đạt tiêu chuẩn về môi trường; tỷ lệ đô thị loại IV trở lên, cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đều phải đạt 100%; 95% chất thải thông thường, 85% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý... 

 

 

 

Ảnh minh họa

 

Do đó trong những năm tới, nước ta phải nỗ lực giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới; giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và kiềm chế tốc độ suy giảm đa dạng sinh học. Mặt khác khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái, cải thiện điều kiện sống của người dân. Nhất là xử lý, cải tạo các vùng đất hiện nay đang bị nhiễm độc, tồn dư đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát...; hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật ở 335 điểm trên cả nước; tăng cường khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính với mức trung bình trên 1 đơn vị GDP. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn cho rằng, ngay từ bây giờ, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về bảo vệ môi trường; hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, trong đó trọng tâm là sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, cũng như phát triển ngành kinh tế môi trường, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Ngoài việc tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2020 đạt 2% tổng chi ngân sách, nên tạo cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ môi trường; chủ động và sáng tạo trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho bảo vệ môi trường, cùng nhau chung sức ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

TTXVN