Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí "Science" (Mỹ), do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sán Đầu (Shantou), Đại học Hồng Công hợp tác với các cộng sự Mỹ và Canađa tiến hành, cho biết: "Cúm H7N9 ở người có thể lây nhiễm trong các động vật có vú, và dưới một số điều kiện phù hợp, virút H7N9 có khả năng lây từ người sang người". Các chuyên gia lo ngại rằng nếu được chứng minh, việc virút này có thể lây dễ dàng từ người sang người sẽ dẫn tới một dịch bệnh trên diện rộng.
Các nhà khoa học đã tiêm vào chồn sương thí nghiệm một mẫu virút H7N9 lấy từ một bệnh nhân đã tử vong do virút này và phát hiện virút đã lây lan giữa những con chồn tiếp xúc trực tiếp với nhau. Kết quả thí nghiệm cũng cho thấy virút H7N9 lây qua không khí, mặc dù chỉ có 3 cá thể chồn sương nhiễm bệnh qua con đường này.
Một loài động vật có vú khác gần gũi hơn với con người là lợn cũng đã được sử dụng trong thí nghiệm tương tự. Kết quả cho thấy lợn cũng có thể bị nhiễm H7N9, song không lây lẫn nhau.
Theo Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh lây Quốc gia Mỹ Antôni Phauxi (Anthony Fauci), người không tham gia nghiên cứu trên, trong môi trường thí nghiệm động vật có vú có thể lây bệnh cho nhau thông qua tiếp xúc, do đó kết quả nghiên cứu cần được xem xét một cách thận trọng trước khi kết luận con người đang đứng trước nguy cơ đại dịch.
Một điều đáng lưu ý khác, sau khi xét nghiệm các cá thể động vật nhiễm virút H7N9, các nhà nghiên cứu đã phát hiện virút này lan tới nhiều bộ phận trong cơ thể chúng như khí quản, phổi, hạch bạch cầu và cả não. Chuyên gia về cúm gia cầm Xurétsơ Míttan (Suresh Mittal) tại Đại học Pơđuy (Purdue) cho biết việc lây lan tới não không phải hiện tượng cá biệt đối với các loại virút có khả năng gây bệnh cao, song lại là hiếm thấy đối với các dịch cúm ở người, do đó cần nghiên cứu sâu hơn và theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân.
Kể từ khi dịch cúm H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc hồi tháng 3/2013 đến nay, đã có 130 ca nhiễm bệnh, trong đó 36 trường hợp tử vong, tuy nhiên hiện vẫn chưa phát hiện trường hợp nào lây từ người sang người.
Theo Tân Hoa xã, Tổng cục Giám sát Quản lý thực phẩm và dược phẩm Nhà nước Trung Quốc cho biết cơ quan này đã phê chuẩn đưa ra thị trường hai loại thuốc thử virút H7N9 ở người trong chẩn đoán lâm sàng của Trung Quốc.
Hai loại thuốc chẩn đoán này có thể kiểm tra định tính ngoài cơ thể đối với người bệnh hoặc người tiếp xúc gần người bệnh có triệu chứng cúm, kết quả kiểm tra sẽ hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng người được thử có nhiễm virút H7N9 hay không.