Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

70% bệnh dịch truyền nhiễm từ động vật

(00:25:51 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Việc bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) cũng tránh cho con người bị lây nhiễm nhiều bệnh dịch nguy hiểm vì có tới 70% bệnh dịch truyền nhiễm ở người là lây từ ĐVHD – ông Scott Roberton, Giám đốc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cho biết.

Tối 9/5/2011, gần 100 lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai tập hợp tại đêm nhạc Gala “Bảo vệ động vật hoang dã” do ban Tuyên giáo Thành uỷ tỉnh Đồng Nai và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) tổ chức tại thành phố Biên Hòa.

 

Tại đây, trưởng ban Tuyên giáo Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một và Giám đốc WCS Scott Roberton đã đại diện cho các bên Đảng, Chính quyền và tổ chức bảo tồn ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) ở tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015.

 

Sự góp mặt đầy đủ, đông đảo lên tới 100 người của các vị lãnh đạo các sở, ban, ngành của toàn tỉnh để thể hiện quyết tâm bảo vệ ĐVHD là một sự kiện chưa từng có tại Việt Nam.

 

Điều này chứng tỏ Đồng Nai là một trong các tỉnh đi đầu trong việc coi trọng vấn đề bảo tồn ĐVHD song song với các trọng tâm phát triển khác của tỉnh nhà.

 

Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Một, cũng cho rằng nâng cao nhận thức cho lãnh đạo là một việc lâu dài: “Cần có một quá trình cho các cán bộ quản lý nhận thức sâu về vấn đề bảo tồn ĐVHD.”

 

Theo ông Scott, “có tới 70% bệnh dịch truyền nhiễm ở người là lây từ ĐVHD, với các ví dụ tiêu biểu như HIV lây truyền từ việc ăn linh trưởng tại Châu Phi, hay SARS là từ thú ăn cầy, chồn ở Trung Quốc.”

 

Việc thực thi luật pháp một cách nghiêm minh được ông Scott Roberton nhấn mạnh như là giải pháp then chốt cho vấn đề buôn bán trái phép ĐVHD.

 

- Đồng Nai là tỉnh có mức độ đa dạng sinh học cao tại Việt Nam với một phần vườn Quốc gia Cát Tiên. Nơi đây từng là nhà của các loài ĐVHD quý hiếm như tê giác, hổ, voi, bò tót, vượn, voọc… Tuy nhiên, tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD và tiêu thụ ĐVHD lan tràn tại Việt Nam đã đẩy các loài này đến bên bờ tuyệt chủng, tiêu biểu như cái chết của con tê giác Java được cho là cuối cùng của Việt Nam tại rừng Cát Tiên năm 2010 do bị bắn để lấy sừng.

Theo khảo sát nhanh của WCS tháng 4/2011, vẫn còn tới gần 95% các nhà hàng tại Biên Hòa bán thịt thú rừng bất chấp việc năm 2010 các cơ quan chức năng của tỉnh như cảnh sát môi trường, kiểm lâm đã ra quân truy quét.

 

Tội phạm về ĐVHD có thể bị phạt hành chính lên tới 500 triệu đồng (theo nghị định 99/2009 NĐ-CP) hoặc 7 năm tù (theo Bộ luật Hình sự).

 

Mai Anh