Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ô nhiễm môi trường tại Tp. HCM Tin ảnh

(14:18:57 PM 24/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 23/5/2013, tại khách sạn Kim Đô, PGS.TS Nguyễn Văn Phước – Viện Môi Trường và Tài Nguyên và PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường nước, chất thải rắn (CTR) và ô nhiễm không khí đô thị.

Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới và phát triển của thành phố thì ô nhiễm môi trường cũng tăng cao. Mặc dù đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để tập trung thực hiện bảo vệ môi trường nhưng thực trạng ô nhiễm vẫn có chiều hướng gia tăng, thậm chí có những nơi xảy ra với mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sức khỏe của người dân.

 

Hiện trạng ô nhiễm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phước, môi trường nước đang bị ô nhiễm bởi nước thải khu dân cư và nước thải từ các khu công nghiệp là chủ yếu. Một bộ phận không nhỏ cộng đồng dân cư không quan tâm đến việc xử lý nước thải sinh hoạt, dẫn đến chất lượng nước kênh rạch thành phố càng ô nhiễm. Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010, kết quả quan trắc các đoạn sông chính trong cả nước, nhiều chất ô nhiễm trong nước có nồng độ vượt quá QCVN từ 1,5 – 3 lần. Còn tại các khu vực hồ, ao, kênh rạch và các sông trong khu vực nội thành các thành phố đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá mức QCVN 08:2008, vấn đề ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và Coliforms. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Theo kết quả thống kê các nguồn thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM từ năm 2010 đến 2012 được thực hiện trên địa bàn 24 Quận/huyện với 826 nguồn thải, chỉ có khoảng 60% nguồn thải có hệ thống xử lý nước thải, các nguồn thải còn lại chỉ qua xử lý sơ bộ (bể tự hoại) trước khi xả thải ra môi trường. Điều đáng lưu ý là trong số các nguồn thải được khảo sát thì có đến 44% các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 50m3/ngày.đêm, đây là nguồn thải đóng góp đến 90% cả về lưu lượng và tải lượng ô nhiễm.

 


PGS.TS Nguyễn Văn Phước

 

Còn đối với chất thải rắn, Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2011 – Chất thải rắn, tổng khối lượng CTR đô thị phát sinh vào khoảng 8.700 - 8.900 tấn/ngày. Và phương pháp xử lý chủ yếu là phương pháp chôn lấp nhừng các phương thức chôn lấp CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh 82/98, chỉ có 16 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (tập trung ở các thành phố lớn). Các bãi thải còn lại, CTR phần lớn được chôn lấp rất sơ sài.

 

Nói thêm về vấn đề ô nhiễm, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cũng trình bày về vấn đề ô nhiễm không khí trong đô thị hiện nay. Thông qua hệ thống quan trắc chất lượng không khí tại TP.HCM để đo chất lượng không khí trong thành phố. Kết quả cho thấy rằng Không khí ở khu vực ven đường tại TP. HCM đang bị ô nhiễm chủ yếu do bụi lơ lửng (TSP), benzen và khí NO2. Tại khu vực dân cư, cơ bản nồng độ các chất ô nhiễm không khí đều thập hơn QCQG. Nồng độ chì tuy nhỏ hơn qui chuẩn cho phép, nhưng khá cao nếu so với qui chuẩn của nhiều nước. Mặt khác diễn biến nồng độ chì khá phức tạp, phụ thuộc nhiều vào  thị trường xăng dầu. Benzen cũng là một chất ô nhiễm không khí đáng lo ngại vì khả năng gây ung thư của nó.

 


PGS.TS  Nguyễn Đinh Tuấn

 

 

 

Mức độ ảnh hưởng

 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm. Ô nhiễm môi trường cũng gây thiệt hại không nhỏ về hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản, trong đó sản lượng nuôi cá bè trên sông những năm gần đây đều giảm sút do ô nhiễm nguồn nước mặt. Bên cạnh đó thì chi phí bỏ ra để chi trả cho việc xử lý chất thải cũng không hề ít.

 

Ngoài ra với mức độ ô nhiễm như vậy, chắc chắn là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, nhất là những người thường xuyên phải làm việc hoặc sinh sống ở khu vực ven đường. PGS. TS Nguyễn Đinh Tuấn nhấn mạnh về việc “những nghiên cứu về về mối quan hệ ô nhiễm môi trường với bệnh tật ở TP.HCM còn ít. Cần tăng cường hơn nữa những nghiên cứu trong lĩnh vực này” .

 

Mỹ Hạ (thực hiện)