Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chú trọng hợp tác đầu tư phát triển bền vững tiểu khu vực vùng Mê Kông Tin ảnh

(14:06:45 PM 23/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Khu vực tiểu vùng Mê Kông được Chính phủ các nước thành viên rất quan tâm và đã có những hành động cụ thể (trong đó có Việt Nam), nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước, vừa đảm bảo phát triển bền vững khu vực này, góp phần thắt chặt và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa các thành viên khu vực với các đối tác nước ngoài nói chung.

Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: Hiện Việt Nam đã đầu tư trực tiếp 335 dự án tại các nước tiểu vùng Mê Kông, với tổng vốn đăng ký khoảng 7 tỷ USD, chiếm trên 50% số dự án và tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Tiêu biểu như đầu tư tại Lào 222 dự án có tổng vốn đăng ký khoảng 3,9 tỷ USD, đứng vị trí thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại đây.

Nhìn chung các dự án đầu tư hiện nay của Việt Nam đã và đang tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Lào và Campuchia. Đó là khai thác, chế biến cao su; sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện; khai thác chế biến khoáng sản. Đồng thời tạo việc làm, nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người lao động và bổ sung nguồn thu cho ngân sách của 2 nước này.

 


Ảnh minh họa


Trong quá trình triển khai các dự án, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tham gia tích cực vào hoạt động cộng đồng với số tiền hàng trăm triệu USD, thông qua việc xây dựng trường học, bệnh xá, đường giao thông, nhà tái định cư cho người dân trong vùng dự án, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội hàng năm.

Đặc biệt, các dự án trồng cây công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội Campuchia và Lào, nâng cao đời sống nhân dân địa phương, cải thiện môi trường, thay đổi tập quán người dân, nhất là tập quán du canh du cư của nhân dân một số khu vực vùng núi, vùng sâu ở 2 nước nói trên.

Tiêu biểu là Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai đã đầu tư 40 triệu USD vào chương trình an sinh xã hội tại tỉnh Attapư của Lào để phát triển hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, trụ sở chính quyền, khách sạn...; các công trình xã hội gồm bệnh viện 200 giường, 1.000 căn hộ tái định cư làm thay đổi bộ mặt của địa phương này, vốn là tỉnh nghèo nhất của nước Lào trước đây.

Trong những năm gần đây, Hãng viễn thông Viettel của Việt Nam đã liên tiếp dành được các giải thưởng quốc tế, với những đóng góp cho việc phát triển thị trường Lào, Campuchia về chất lượng “Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển” và ‘Doanh nghiệp có giải pháp tốt nhất cải thiện viễn thông vùng nông thôn-phục vụ các đối tượng là người nghèo nông thôn”. Viettel còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 2,5 vạn lao động địa phương của Campuchia và gần 2 vạn lao động địa phương của Lào.

Tại Diễn đàn Tài nguyên Mê Kông lần thứ II vừa được tổ chức mới đây, các đại biểu tham dự đều thống nhất cho rằng: Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch một cách bền vững tiểu khu vực vùng Mê kông, các bên cần phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch chung trong việc kêu gọi, thu hút và khai thác có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các nguồn vốn đầu tư để phát triển khu vực này. Vì vậy, các quốc gia trong khu vực phải có tiếng nói chung trong các vấn đề mang tính khu vực, như sử dụng các nguồn lực tự nhiên để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường có hiệu quả, phát triển bền vững.

(TTXVN)