Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phải đeo khẩu trang để bán vé
Các hang động Nhất, Nhị Thanh nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh: Chùa Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc... đều đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Ngoài giá trị danh thắng, chùa Tam Thanh còn được biết đến bởi những giá trị văn hóa, bởi trong động chùa còn lưu lại hệ thống văn bia khá phong phú của các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử; hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước.
Từ nhiều năm nay, tình trạng xây dựng nhà không phép, lấn chiếm cảnh quan môi trường khu vực di tích có xu hướng ngày càng tăng do vậy đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Ngọc Tuyền chảy qua động Nhị Thanh và một phần động Tam Thanh đã trở nên đáng báo động. Đặc biệt là vào mùa mưa toàn bộ nước thải sinh hoạt của các hộ dân sinh sống tại phường Tam Thanh và xã Hoàng Đồng tập trung đổ về con suối này, gây ngập úng, rác thải ứ đọng ngay trong khu hang động. Không khí trong hai động Nhất và Nhị Thanh ngày càng trở nên ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối. Ông Nguyễn Bá San, Trưởng Ban quản lý di tích Lạng Sơn cho biết: Ô nhiễm đã khiến lượng khách thăm quan sụt giảm, không chỉ du khách ngại vào động vì mùi hôi thối mà ngay cả các nhân viên ở đây cũng không chịu nổi, phải đeo khẩu trang khi bán vé.
Cùng nằm trong quần thể danh lam này còn có thành Nhà Mạc, liền kề với núi Tô Thị. Đây là di tích kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia và được đầu tư, tôn tạo đưa vào phục vụ khách du lịch tham quan. Dấu tích hiện nay còn 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi. Tuy nhiên chỉ có một đoạn được tu bổ sạch sẽ, đoạn còn lại để hoang với cỏ mọc che kín các bậc cầu thang, cổng thành trở thành nơi người dân vứt rác bừa bãi.
Di tích khảo cổ thành “ốc đảo”
Tại di chỉ khảo cổ học Mai Pha, một di tích xếp hạng quốc gia khác chỉ nằm cách đường Hùng Vương, con đường chính của thành phố Lạng Sơn khoảng 30m, tình trạng hoang phế còn đáng báo động hơn. Người dân đã xây dựng nhà ở và trồng ngô, lúa đến sát biển chứng nhận di tích cấp quốc gia. Nhưng điều đặc biệt hơn là khu di chỉ này không có đường vào; du khách muốn thăm quan chỉ có cách duy nhất là xắn quần lội qua ruộng lúa của người dân để vào.
Theo ông Triệu Khai, Trưởng thôn Mai Thành: Khoảng năm 2002, nhiều người lên núi này khai thác đá để nung vôi làm vật liệu xây dựng, nhiều nơi đã bị đập phá nham nhở. Sau đó chính quyền các cấp đã ngăn cấm việc này người dân cũng không còn ai lên khai thác đá nữa. Song ngay từ khi được gắn biển di tích cấp quốc gia năm 1996, không biết vì sao người ta chỉ làm các bậc đá từ chân núi đến cửa hang còn lại quãng đường từ ngoài vào chỉ khoảng gần trăm mét lại không làm, từ đó đến nay khu vực này bị bỏ hoang lâu dần trở thành nơi ở của các loại rắn rết. Cách đây nửa năm đã có người phát hiện trong hang núi vốn là nơi ở của người cổ xuất hiện một con rắn dài khoảng 10m, nên không còn ai dám lên núi nữa.
Di chỉ cổ Mai Pha thuộc thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn được phát hiện năm 1945 trong một hang động của ngọn núi đá vôi nhỏ. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện 29.500 mảnh gốm, 123 công cụ bằng đá, trong đó có: rìu, bôn, đục bằng đá mài, vòng tay, khuyên tai....Đặc biệt có 7 rìu bôn có vai làm bằng vỏ trai, ốc biển Cypreac được mài thủng xâu lỗ làm đồ trang sức cùng rất nhiều xương, răng động vật, dấu tích mộ kè đá, mộ vò... Đây là nơi sinh sống của người tiền sử cách đây khoảng 3.500 năm và là điểm tiếp nối văn hóa Bắc Sơn, có liên hệ chặt chẽ với văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Hạ Long.
Trao đổi về tình trạng này, ông Nguyễn Bá San cho rằng: Tình trạng các di tích, danh lam cấp quốc gia xuống cấp và ô nhiễm đã được Ban quản lý di tích Lạng Sơn xem xét và tham mưu lên cấp trên tìm biện pháp xử lý từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn không khắc phục được vì cần đến nguồn kinh phí rất lớn. Đối với tình trạng động Nhất, Nhị Thanh, Ban quản lý di tích chỉ có thể sử dụng các biện pháp tạm thời như tháo bớt nước ở đập ngăn suối Ngọc Tuyền để mực nước ít đi, đỡ nặng mùi hơn; kết hợp với việc giữ gìn vệ sinh môi trường quanh khu vực để giảm ô nhiễm.
Hiện UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và UBND thành phố tiến hành khảo sát, lập dự án sơ bộ thực hiện phương án làm nước thải qua bể xử lý, lắng cặn được chảy qua đường ống cống có đường kính khoảng 0,5 m đặt chìm trong lòng suối Ngọc Tuyền để dẫn nước thải qua hang Nhị Thanh xả ra hạ lưu suối Ngọc Tuyền, trình UBND tỉnh xem xét trong quý II năm 2013. Còn đối với khu di tích thành Nhà Mạc, từ năm 2002 - 2004 UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký quyết định giao khu di tích đó cho công ty Hoàng Việt Anh quản lý và khai thác. Gần đây nhất vào năm 2011, Ban quản lý di tích đã tham mưu cho tỉnh đưa khu di tích này vào Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm chống xuống cấp. Do đó Ban quản lý di tích Lạng Sơn chỉ có thể quản lý về mặt nhà nước, đưa ra hướng dẫn sử dụng chứ khai thác và quản lý trực tiếp thì lại do đơn vị khác thực hiện.
Khó tìm ra lối thoát nhất là khu di chỉ Mai Pha, bởi ngay từ khâu quy hoạch di tích vốn đã không có đường vào. Từ nhiều năm trước đơn vị quản lý di tích đã báo lên các cấp lãnh đạo về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết. Năm 2012 Ban quản lý di tích Lạng Sơn tham mưu cho tỉnh đưa khu di chỉ này vào chương trình mục tiêu quốc gia để được sử dụng kinh phí, làm một con đường vào cho di chỉ Mai Pha nhưng không được lựa chọn.