Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
1. Mục đích, ý nghĩa
Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trong các thập kỷ qua, mặc dù các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động, thực vật hoang dã được tăng cường, nhưng trên thực tế tài nguyên đa dạng sinh học không ngừng bị suy giảm, nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, như loài tê giác.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng. Tệ nạn này phần nào có căn nguyên từ những hạn chế trong thói quen tiêu dùng của người dân và quan niệm xã hội về sở hữu và sử dụng động thực vật hoang dã nguy cấp.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng khỏi bị buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp, là hoạt động vừa có ý nghĩa tức thời vừa có tính chiến lược lâu dài đối với mục tiêu bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Đó là mục đích, ý nghĩa cuộc thi viết bài với chủ đề “Không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng góp phần bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học ở Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Nghiệp vụ và Tư liệu, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC), tổ chức.
Cuộc thi viết bài là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện Chỉ thị 29- CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư (khóa X) “Về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, Hướng dẫn số 109-HD/BTGTW ngày 08/6/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương “Hướng dẫn các cấp ủy đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tuyên truyền việc thực hiện tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã”, nhằm hỗ trợ cho Chiến dịch chống nạn buôn bán bất hợp pháp các loài oang dã của TRAFFIC và WWF; đồng thời là hoạt động hưởng ứng sự kiện chính phủ hai nước, Nam Phi và Việt Nam, ký biên bản ghi nhớ 10/12/2012 tại Hà Nội), về thỏa thuận hợp tác giữa hai quốc gia về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học, bao gồm việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm chống nạn buôn lậu mẫu vật tê giác và thực thi các quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
2. Một số gợi ý về nội dung viết bài
Vì sao cộng đồng và người dân cần nói “Không” với việc buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng
Phân tích những yếu tố chi phối việc buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng ở nước ta (dẫn chứng thực tế nếu có).
Phân tích tác hại của việc buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng ở Việt Nam nói riêng, trong khu vực và trên toàn thế giới (dẫn chứng thực tế nếu có). Nhận thức của bạn về pháp luật và ý thức người dân tuân thủ pháp luật về
bảo tồn, bảo vệ động, thực vật hoang dã và không khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng.
Bạn biết gì về thực trạng buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng ở nước ta
Bạn có tán thành ý kiến cho rằng “Việt Nam là điểm trung chuyển và một trong những thị trường tiêu thụ chính mặt hàng sừng tê giác”. Hãy cung cấp dẫn chứng cho những nhận xét của bạn. Bạn có phát hiện gì về việc buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng, như sừng tê giác, ở Việt Nam. Bạn hãy làm một phóng sự (nếu có thể) về hoạt động buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, như loài tê giác, loài hổ, loài voi, các bộ phận và dẫn xuất của chúng.
Cộng đồng và người dân cần làm gì để góp phần ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng
Giới thiệu các địa phương có kinh nghiệm tốt, việc làm hay trong các hoạt động tuyên truyền như phổ biến kiến thức, thực hành pháp luật, động viên người dân tham gia vào quá trình giám sát hoạt động khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng trên địa bàn, và phản ánh trực tiếp với các cơ quan chức năng. Đóng góp ý kiến hoàn thiện môi trường pháp lý và việc thực thi pháp luật chống buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng.
Nêu kinh nghiệm trong và ngoài nước về bảo tồn và ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng.
3. Thể loại – yêu cầu (có sửa đổi, bổ sung)
- Bài dự thi có thể sử dụng các thể loại báo chí như tin, phỏng vấn, phóng sự, phóng sự điều tra, ký sự, bài phản ánh, bài bình luận, phóng sự ảnh, nội dung tập trung vào chủ đề cuộc thi.
- Người dự thi phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của bài thi và các vấn đề liên quan đến tác quyền.
- Bài dự thi có thể đã được đăng tải, sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống trong thời gian tổ chức cuộc thi.
- Tác giả, có thể là cá nhân hoặc tập thể tác giả, có thể gửi dự thi nhiều sản phẩm dưới các hình thức khác nhau (mỗi tác giả không quá 5 bài dự thi) với nội dung và hình thức không được trùng lặp.
- Tác giả ghi rõ họ tên (không ghi bút danh), địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Các bài dự thi được xét giải thưởng sẽ bị loại nếu không xác định được địa chỉ và tên thật của tác giả.
Ngôn ngữ sử dụng: tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
4. Đối tượng tham gia
+ Công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đang công tác và sinh sống ở Việt Nam (thành viên Ban Tổ chức không được tham gia dự thi).
+ Khuyến khích dự thi các báo, các nhà báo (đặc biệt là những người đã tham gia khóa tập huấn truyền thông của WWF/TRAFFIC Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình từ ngày 17 – 19/10/2012 về Chiến dịch chấm dứt buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam).
+ Khuyến khích dự thi các nhà bảo tồn, nhà quản lý, những người trực tiếp làm công việc liên quan đến bảo tồn động, thực vật hoang dã ở Việt Nam.
5. Thời gian nhận bài dự thi
- Từ ngày 10/01/2013 đến hết ngày 30/6/2013
- Bài dự thi gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện theo địa chỉ: Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Nghiệp vụ và Tư liệu, Ban Tuyên giáo Trung ương, số 2B, Hoàng Văn Thụ, Hà Nội (ĐT: 080.45456; 098.4377.425); hoặc gửi qua email: trungtamnckhnvtl@gmail.com
- Thời gian nhận bài dự thi được xác định theo dấu bưu điện hoặc ngày nhận email.
6. Quyền lợi và giải thưởng
- Cuộc thi gồm các giải thưởng sau đây:
2 Giải đặc biệt: mỗi giải là một chuyến đi tham quan một số khu bảo tồn ở Cộng hòa Nam Phi dành cho 01 người.
1 Giải Nhất: 7.000.000đ (bảy triệu đồng).
2 Giải Nhì: mỗi giải 5.000.000 đ (năm triệu đồng).
2 Giải Ba: mỗi giải 3.000.000 đ (ba triệu đồng).
7 Giải Khuyến khích: mỗi giải 1.000.000 đ (một triệu đồng).
- Các bài dự thi có chất lượng cao sẽ được Ban tổ chức giới thiệu đăng tải trên các trang mạng có uy tín để phổ biến rộng rãi đến đông đảo bạn đọc. Bản quyền sử dụng các bài dự thi do Ban Tổ chức giữ.
7. Công bố giải thưởng
Ban Tổ chức sẽ công bố giải thưởng tại Hà Nội vào Quý III năm 2013.
Thông tin chi tiết về Cuộc thi xem tại:
+ Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: www.dangcongsan.vn
+ Trang điện tử của tổ chức TRAFFIC: http://www.traffic.org/competition__