Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bầu Đức gặp "vận xui" với Global Witness, do đâu?

(20:31:28 PM 18/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Từng là công ty sản xuất đồ gỗ lớn, Hoàng Anh Gia Lai vốn đã dính nghi án phá rừng (dù không có bằng chứng) ở Việt Nam. Phản ứng của bầu Đức trước cáo buộc “lâm tặc” làm câu chuyện thêm nóng.

 Nếu là một công ty khác bị Global Witness cáo buộc phá rừng, sự việc có lẽ không ầm ĩ đến vậy. Trên thực tế, các bằng chứng mà tổ chức này đưa ra khá lỏng lẻo và một chiều, trong số đó có những thông tin được phán xét chủ quan và không chính xác.

 

Thứ nhất, việc Global Witness cho biết đã thực hiện một cuộc điều tra lấy ý kiến của người dân địa phương ở vùng tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trồng cao su và có kết quả là họ bị “cướp đất” và nghèo đi. Tuy nhiên, kết quả điều tra không đưa ra con số về bao nhiêu người bị như vậy và không chứng minh được việc nghèo đi có bắt nguồn từ lý do HAGL đến đây đầu tư hay không.

 

Công nhân của HAGL chăm sóc cây cao su tại Attapeu, Lào. Ảnh: Thanh Niên.

 

Trên thực tế, bầu Đức là một nhà đầu tư được cả Chính phủ Lào và Campuchia mong đợi. Ông đến những nơi này mang theo việc làm và sinh kế cho hàng chục nghìn người bản địa, cùng cơ sở hạ tầng mới như đường, sân bay, bệnh viện, nhà… Đời sống và kinh tế của những vùng mà HAGL đến đầu tư đều cải thiện rõ rệt và điều đó không thể phủ nhận. Trong số rất nhiều người dân được hưởng lợi, có thể một số ít không tìm được việc làm sau khi nhận tiền đền bù đất đai (ở vùng HAGL đầu tư trồng cao su) với nhiều lý do khác nhau và bị nghèo đi. Tuy nhiên, nếu lấy điều này để cáo buộc là bầu Đức hay HAGL cướp đi sinh kế của người dân thì không chính xác.

 

Thứ hai, Global Witness đã lấy một số thông tin ở phần cảnh báo rủi ro trong cáo bạch của HAGL để cho rằng công ty này không tôn trong luật pháp của 2 quốc gia nói trên. Trong cáo bạch của HAGL, phần cảnh báo rủi ro viết: “Mặc dù hoạt động kinh doanh đang đáp ứng các quy định hiện hành của nước sở tại về trồng và khai thác rừng, song tập đoàn không thể lường trước rủi ro khi chính sách thay đổi”. Việc đại diện Chính phủ Lào và Campuchia đồng loạt lên tiếng phản đối nhận định của Global Witness là câu trả lời rõ ràng nhất.

 

Trao đổi với phóng viên về nhận định của Global Witness, ông Huy Nam – một chuyên gia độc lập nổi tiếng về kinh tế và thị trường chứng khoán nói: “Phần cảnh báo rủi ro trong bản cáo bạch có thể hiểu là một khả năng có thể xảy trong tương lại chứ không phải là hiện thực. Điều này giống như việc nói rằng khi đi ra đường, anh có thể bị ô tô đâm (cảnh báo rủi ro). Tuy nhiên, cảnh báo đó không có nghĩa là bị ô tô đâm đã thành hiện thực hoặc do khả năng đó mà không được ra đường”. Chuyên gia này nhận định, cáo buộc HAGL dựa trên phần cảnh báo rủi ro trong bản cáo bạch là “hơi buồn cười”.

 

Thứ ba, dựa vào ảnh chụp vệ tinh cho thấy trước khi HAGL được phân đất, một số vùng vẫn là khu rừng được pháp luật Campuchia và Lào bảo vệ, phần rừng sau đó đã biến mất; tổ chức nói trên cho rằng HAGL đã phá rừng. Trên thực tế, việc đưa ra cáo buộc phá rừng chỉ dựa trên ảnh chụp vệ tinh là chuyện “chưa từng có” vì nó là một bằng chứng không chính xác.

 

Tuy nhiên, cáo buộc “lâm tặc” với HAGL cũng như bầu Đức lại bị tác động bởi một yếu tố nhạy cảm khác, không liên quan đến tính hợp lý hay chính xác của báo cáo từ Global Witness.

 

Nhiều năm trước, khi khởi nghiệp tại Việt Nam, bầu Đức là chủ một công ty đồ gỗ lớn tại tỉnh Gia Lai với sản phẩm có mặt trên khắp đất nước và cả xuất khẩu. Nghi án “phá rừng” với tập đoàn này cũng bắt nguồn từ đây dù không có ai đưa ra bằng chứng xác thực.

 

Khi bầu Đức chuyển hướng kinh doanh sang bất động, trồng cao su, mía đường, thủy điện… những cáo buộc “lâm tặc” không có căn cứ ít dần. Tuy nhiên, khi bị Global Witness khẳng định HAGL “phá rừng” tại Lào, Campuchia, những nghi án năm xưa đã quay trở lại. Điều này cộng với sức nóng của keyword “bầu Đức” và “Hoàng Anh Gia Lai” làm giới truyền thông nổi sóng.

 

Ở một khía cạnh khác, chính phản ứng của bầu Đức trước báo cáo của Global Witness cũng làm sự việc đi xa hơn. Khi đưa ra nhận định, báo cáo “buộc tội” HAGL có thể nhằm mục đích “xin tài trợ”, bầu Đức có lẽ chưa tính tới việc tổ chức này do tỷ phú George Soros (nhà đầu cơ huyền thoại của thế giới) và nhiều chính phủ châu Âu cung cấp tài chính. Chưa hết, do là một tổ chức phi chính phủ, không có mục tiêu lợi nhuận và đi theo những định hướng bảo vệ môi trường, Global Witness hoạt động hướng tới những điều tốt đẹp cho thế giới nên họ cũng có nhân tố đáng tin.

 

Đại diện một công ty từng dính nghi án “phá rừng” đi phản bác lập luận của một tổ chức có mục tiêu tốt đẹp với nhận định họ “xin tài trợ” đã khiến những chứng cứ dù “buồn cười” của Global Witness trở thành thông tin đáng suy nghĩ. Bầu Đức gặp “vận xui” chính vì điều này.

(Theo Infonet)