Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trao đổi với PV sáng 30/5, Ts Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chữa trị vết thương rùa Hoàn Kiếm cho biết, hiện các vết thương trên mình cụ Rùa đã hoàn toàn bình phục. Chiều nay, các nhà khoa học sẽ tiến hành hội chẩn lại lần cuối để xác nhận các vết thương trên mình cụ đã bình phục và hoàn tất quá trình chữa bệnh.
Sau hai tháng được điều trị, hiện các vết thương trên mình cụ rùa đã hoàn toàn bình phục.
Trước đề xuất dùng chip theo dõi sau khi thả cụ về lòng hồ, Ts Tề cho biết, vì rùa Hồ Gươm là mai mềm nên nếu gắn chíp theo dõi sẽ phải dùng vật hỗ trợ. Hơn nữa, diện tích lòng hồ nhỏ nên không cần thiết phải gắn chíp.
Ts Tề, thời gian chữa bệnh cho cụ Rùa dự kiến sẽ kéo dài 2 tháng nhưng hiện nay do việc cải tạo lòng hồ quá lâu dẫn đến thời gian lưu giữ rùa Hồ Gươm tại khu lưu trữ quá lâu, điều này không tốt với sức khỏe cụ rùa.
“Hiện UBND thành phố đang thúc giục quá trình cải tạo lại lòng hồ Hoàn Kiếm. Khi công việc này hoàn thành chúng tôi sẽ tiến hành thả cụ về với lòng hồ ngay”, Ts Tề nói.
Chiều 3/4, sau 2 tiếng vây bắt, với hơn 30 người tham gia, trong đó có nhiều chiến sỹ đặc công, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã bắt được cụ Rùa, đưa lên bờ chữa bệnh.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo cứu chữa rùa hồ Hoàn Kiếm cho biết, cá thể rùa đã bắt được có chiều dài mai là 117cm, rộng 83cm. Theo kết quả sơ khám, rùa bị loét mãn tính ngoài da ở hai chi trước và không có dấu hiệu bề ngoài của những bệnh do nhiễm trùng máu, virus gây nên.
Kết quả giám định ADN cho thấy, rùa Hồ Gươm là loài mới của Việt Nam, không cùng loài với rùa Đồng Mô và giải Thượng Hải (Trung Quốc) như nhiều nhà khoa học đã từng khẳng định. Mặc dù, cùng giống với tiêu bản rùa Hồ Gươm trong Đền Ngọc Sơn nhưng "cụ Rùa" đang được chữa bệnh lại khác về loài.
Theo vị Trưởng nhóm chữa trị vết thương cụ Rùa, việc hội chẩn lần cuối chỉ là thủ tục, bởi thực tế các vết thương của cụ Rùa đã khỏi hoàn toàn và có thể thả về lòng hồ ngay. Tuy nhiên, do việc cải tạo lòng hồ chưa hoàn thiện nên chưa thể thả cụ về với môi trường tự nhiên.
“Trước tình hình nắng nóng như hiện nay chúng tôi đã lên phương án quây thêm một khu nuôi dưỡng quanh chân tháp rùa với diện tích rộng 500-1000m2, khi thời tiết nóng quá sẽ thả rùa xuống tiếp đất, tránh nóng”, Ts Tề nói.