Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Triển vọng phát triển cây dược liệu ở vùng cao Lai Châu

(09:05:31 AM 17/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu quanh năm mát mẻ, thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển, trong đó có cây Atisô. Lợi thế ấy đang được kỳ vọng sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

 
Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu quanh năm mát mẻ, thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển, trong đó có cây Atisô. Lợi thế ấy đang được kỳ vọng sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Cây Atisô với đặc điểm dạng thân thảo, cao từ 0,8 - 1,5m, lá mọc so le, có tác dụng tốt đối với tim mạch, hệ tiêu hóa, giảm lượng đường trong máu, giải độc gan… Thấy rõ tiềm năng kinh tế to lớn từ cây Atisô, năm 2012, Viện Dược liệu Trung ương đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu triển khai đề tài “Xây dựng mô hình và hoàn thiện quy trình trồng Atisô theo tiêu chuẩn VietGAP”, trồng thử nghiệm 0,5 ha cây Atisô tại xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) với vườn ươm giống theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP; qua đó xác định thời vụ, giống, quy trình, công thức cũng như kỹ thuật gieo trồng đại trà loại cây dược liệu quý này. 

Ông Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết, qua trồng thử nghiệm 0,5 ha cây Atisô theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tả Ngảo cho thấy, loại cây dược liệu quý này phát triển tốt, hợp với đất đai, khí hậu của địa phương. Việc mở rộng diện tích trồng Atisô trên địa bàn các xã vùng cao là hết sức cần thiết, nhằm khôi phục lại vùng dược liệu quý, thay đổi cơ cấu cây trồng, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

 

Cạy Atiso- Ảnh minh họa
 

Hiện nay, Viện Dược liệu Trung ương đang thực hiện 6 thí nghiệm với 72 công thức trên diện tích 0,5 ha tại xã Tả Ngảo. Qua kiểm tra cho thấy: Cây được gieo trồng vào thời điểm tháng 11 hoặc 12 dương lịch hàng năm là cho kết quả tối ưu và trồng bằng bầu thì có tỉ lệ sống cao hơn. Tiến sỹ Trần Thị Liên, Viện Dược liệu Trung ương, Chủ nhiệm đề tài khẳng định, cây Atisô phù hợp với vùng cao nguyên Sìn Hồ. Qua trồng thử nghiệm nhận thấy năng suất đạt trên 35 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao, có thể thu về hàng chục triệu đồng/ha, hơn rất nhiều so với trồng lúa và ngô. Đưa cây Atisô vào gieo trồng tại địa bàn là thiết thực và cần thiết để thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng khó khăn này. 

Việc điều tra quy hoạch và xây dựng vùng trồng cây Atisô hiệu quả, sẽ tạo công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tạo thu nhập cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nguyên Sìn Hồ. Tuy nhiên, tính bền vững cũng cần thiết phải nghiên cứu, bởi trước đó người dân đã “quay lưng” lại với loại cây này vì không có "đầu ra". Ông Nguyễn Khắc Tiệp, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Sìn Hồ cho biết: Vài năm trước cũng đã có nhiều hộ dân thuộc các xã vùng cao của huyện trồng loại cây này, nhưng do giống ít, trồng nhỏ lẻ, manh mún lại tự phát, nên sản lượng ước tính chỉ đạt 25 tấn/ha. Chất lượng dược liệu cũng rất thấp bởi người dân thường chế biến bằng công nghệ thủ công, khó tiêu thụ sản phẩm. Do phải tiêu thụ tại thị trường tỉnh khác, nên giá thành Atisô đội lên cao, hiệu quả kinh tế đạt được do đó cũng giảm. 

Như vậy, muốn phát triển việc trồng cây Atisô ở Sìn Hồ, cần tuyên truyền, định hướng cho người dân để họ thêm “mặn mà” với loại cây này. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến cây Atisô tại chỗ để người dân yên tâm gắn bó với cây dược liệu - một lời giải cho bài toán thoát nghèo.

TTXVN