Dự án theo tính toán thì vẫn... hiệu quả
Trả lời câu hỏi trước những băn khoăn của báo giới về tính hiệu quả của 2 dự án Tổ hợp Bauxite – nhôm Lâm Đồng và Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông, nên dừng để bớt mất tiền thêm cũng như trách nhiệm khi 2 dự án này không hiệu quả, ông Chỉnh cho biết, Tập đoàn cũng đưa vấn đề này ra xem xét, đánh giá.
“Việc dừng dự án Nhân Cơ là vấn đề lớn, một câu trả lời không thể trả lời hết. Nhưng đứng trên góc độ doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng cần xem xét nếu dừng thì được lợi gì, hại ra sao, giải quyết hậu quả ra sao. Nhà đầu tư bỏ tiền ra, công trình đang nằm ngổn ngang, những hậu quả như vậy ai tính’, TS Chỉnh nói.
Bể lắng tại nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai |
Ông Chỉnh nói thêm: ‘Khi làm dự án này, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã xem xét, chúng tôi có trách nhiệm làm. Nếu có thiệt hại gì thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước. Nói thực là chúng tôi đã xem xét đến khả năng dừng nhưng không dám vì dừng thì thiệt hại quá lớn”, ông Chỉnh nói.
Dù nói như vậy nhưng trong các câu trả lời, đại diện Vinacomin vẫn khẳng định dự án có hiệu quả.
Cụ thể ông Chỉnh cho biết, dự án đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của 2 dự án. Kết quả cho thấy, dự án có hiệu quả kinh tế trên 3 thông số về tác động kinh tế - xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tài chính doanh nghiệp cũng như thời gian hoàn vốn giản đơn.
Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của Tổ hợp nhôm Lâm Đồng là 12 năm, còn Tân Rai là 13 năm. Hàng năm, 2 dự án nộp ngân sách bình quân khoảng 850 tỷ đồng.
“Ban đầu, dự án có thể lỗ trong thời gian từ 3 – 5 năm do những khấu hao về đầu tư, lãi vay…Tuy nhiên, sau đó, dự án chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả theo tính toán của chúng tôi”, người phát ngôn của Vinacomin khẳng định.
Ngoài ra, dự án còn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội tổng thể: tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, phát triển dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, tạo tiền đề xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nhôm ổn định và bền vững trong tương lai.
TS Chỉnh khẳng định: ‘Chúng tôi đã từng tính toán xem xét và thấy tiếp tục làm thì tốt hơn là dừng. CChúng tôi đã báo cáo số liệu tính toán cụ thể tới các cơ quan có thẩm quyền, và con số này không được phép công bố công khai’.
Chuyên gia khẳng định lỗ!
Trước đó cũng trong một hội thảo bàn về thực trạng, định hướng và kiến nghị đối với các dự án bauxite Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, cho rằng: “Tổng mức đầu tư đã tăng lên quá nhiều, thực tế Dự án Tân Rai đang thua lỗ thực sự chứ không phải nguy cơ thua lỗ nữa. Bốn năm triển khai cho thấy các dự án này không mang lại hiệu quả kinh tế như kế hoạch”.
Ông Ban phân tích, trước đây khi tiến hành dự án, đàm phán vốn vay của Ngân hàng châu Âu thì lãi suất thấp - chỉ 5% nhưng khi cộng các khoản chi phí, phí bảo lãnh thì tính ra cũng đã lên đến 8%. “Hiện Vinacomin đang bán giá thấp hơn giá thành thì rõ ràng là thua lỗ. Bộ trưởng Công Thương nói là lỗ ấy nằm trong kế hoạch là không chính xác.
Cứ như tình hình hiện nay thì tính cả đời dự án cũng không có lãi. Việc xác định thua lỗ theo kế hoạch thì phải xác định trong thời gian nhất định. Giá thành lớn hơn giá bán như hiện nay mà cứ mong có lãi là điều không tưởng” - ông Ban phân tích.
Cũng theo ông Ban, mỗi năm Dự án Tân Rai phải chi khoảng 24,6 triệu USD, Nhân Cơ 38 triệu USD tiền vận tải. Việc vận chuyển hàng theo quãng đường trên dưới 200 km thì làm sao mà lãi được? Kể cả việc xây dựng tuyến đường sắt - nếu có thì cũng phải đến sau 2030 mới có tuyến này. Như vậy, hai dự án này sẽ “mệt mỏi” ít nhất 15 năm nữa.
“Chúng ta quá lạc quan, khi lập dự án đã không đưa ra những tình huống phải đương đầu. Việc không để tâm đến những rủi ro tiềm ẩn đã đẩy dự án vào thế kẹt” - ông Ban lo lắng.
Toàn cảnh nhà máy sản xuất alumina Tân Rai, Lâm Đồng nhìn từ khu thải bùn đỏ |
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng dự án không có sự chuyển giao công nghệ mà chỉ có giấy phép sử dụng công nghệ của nhà thầu Chalieco (Trung Quốc). Như vậy sẽ không có chuyện bảo hành công nghệ!
Ông Nguyễn Thành Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Than Sông Hồng, tính toán: Trong trường hợp thuận lợi nhất thì Dự án Tân Rai cũng không có hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn và liên tục lỗ đến năm 2029.
Theo ông Sơn nói cả hai dự án được triển khai trong gần năm năm nhưng vấn đề vận tải tiêu thụ alumin vẫn chưa được giải quyết. Việc lựa chọn cảng Kê Gà đã mắc sai lầm. Do đó ông Sơn đề nghị với Dự án Tân Rai cần tiếp tục làm rõ các thông số cam kết của nhà thầu, công khai minh bạch về chi phí đầu tư, giá thành…
“Riêng Dự án Nhân Cơ, trước mắt nên dừng vì chắc chắn Nhân Cơ còn kém hiệu quả hơn Tân Rai” - ông Sơn kiến nghị.