Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với những thành tựu đã đạt được về phát triển kinh tế-xã hội và cũng phải đối mặt với những sức ép rất lớn về môi trường. Ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề gia tăng đã trở thành những vấn đề nóng và là mối quan tâm của toàn xã hội.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của các cấp, các ngành, sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ làm công tác môi trường cộng với sự giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế, công tác bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, ngày càng phát huy hiệu lực và hiệu quả. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường 2005 là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự quan tâm đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề môi trường trước những tác động tiêu cực không tránh khỏi của cơ chế thị trường.
Sau gần 7 năm đưa vào triển khai áp dụng, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã góp phần quan trọng cho bảo vệ, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước; ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng; tạo ra những định hướng ban đầu cho việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu của thời kỳ mới, với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã bộc lộ những điểm còn bất cập, như: một số điểm chưa đồng bộ, thống nhất với một số đạo luật khác trong hệ thống pháp luật; phân công phân cấp đối với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; các quy định về tiêu chuẩn môi trường,... chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thi hành chưa cao.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 20/2011/QH13 thông qua chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó có xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 207/QĐ-TTg giao Bộ TN&MT chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào Quý 2 năm 2013.
Trên cơ sở bản Dự thảo số 2 đã được gửi tới các Bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến, Bộ TN&MT đã và đang tiếp tục tổng hợp chỉnh sửa, hoàn thiện bản Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) một cách hiệu quả và sát với nhu cầu của thực tế đời sống và phát triển kinh tế, xã hội.