Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thành phố liên kết với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với từng khu vực, từng ngành, địa phương, qua đó lựa chọn giải pháp ứng phó cụ thể. Theo đó, Cần Thơ qui hoạch phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt là mở rộng các khu đô thị đều phải tính tới yếu tố ổn định của địa mạo, nước biển dâng; phân loại vùng thủy văn - thủy lực phục vụ cho việc ứng phó và sản xuất; cảnh báo các công trình hạ tầng bị đe dọa; hợp lý hóa hệ thống giao thông thủy, bộ gắn với xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ; sản xuất, nhân rộng các giống cây, con chịu mặn, thân cao; chủ động lập phương án bảo vệ cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cao năng lực quản lý về môi trường… đáp ứng yêu cầu phát triển an toàn, bền vững của đô thị trung tâm vùng ĐBSCL thời gian tới. Trong đó, chống ngập úng được xem là ưu tiên hàng đầu.
Từ nay đến năm 2015, hệ thống công trình thủy lợi chống ngập úng cho vùng trung tâm thành phố Cần Thơ sẽ được xây dựng với 24 cống tiêu thoát nước, 2 âu thuyền tại sông Trà Nóc, Bình Thủy, nạo vét 109 km kênh trục, kênh cấp I, nâng cấp 133,5 km đê bao cấp I, xây dựng mới 6 trạm bơm tiêu với 15 tổ máy (loại 10.800m 3 /giờ), nâng cấp, xây dựng mới hệ thống kênh và bờ bao cấp II, kênh nội đồng . Phần ngoài đô thị sẽ nạo vét 175km các kênh trục và kênh cấp I để tăng cường khả năng tiêu thoát.
Giai đoạn sau năm 2015, Cần Thơ tiếp tục xây dựng hệ thống thủy lợi còn lại của khu trung tâm thành phố với 152 cống tiêu thoát nước, nạo vét 129 km kênh trục, kênh cấp I, nâng cấp, bổ sung 156 km đê bao cấp I, xây dựng mới 29 trạm bơm tiêu với 93 tổ máy (loại 10.800m 3 /giờ), nâng cấp, làm mới hệ thống kênh cấp II và kênh nội đồng. Phần ngoài đô thị, sẽ nạo vét 205 km kênh trục, kênh cấp I, nâng cấp, bổ sung 614 km đê bao cấp I, hệ thống kênh cấp II, cống tiêu, kênh nội đồng, bờ bao cấp II, cầu giao thông.
Toàn bộ khu đô thị được phân thành 18 ô bảo vệ, rộng 48.000 ha (chủ yếu theo kênh cấp I) với diện tích từ 600 ha đến 4.300 ha mỗi ô. Trong đó, khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ rộng 17.700 ha, bao gồm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, một phần của quận Ô Môn và huyện Phong Điền.
Các công trình bảo đảm dung tích nước trữ cho vùng nội thành tối thiểu là 10% và 20% đối với khu vực đô thị đang phát triển thuộc các quận, huyện còn lại; tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn thời đoạn ngắn, giảm tải cho hệ thống thoát nước của thành phố.
Theo dự báo của các cơ quan khoa học, đến năm 2050, cùng với nhiều tỉnh khác tại ĐBSCL, Cần Thơ sẽ bị ngập sâu từ 0,8 – 1 mét. Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng thay đổi lớn. Lưu lượng nước sông Mê Kông giảm từ 2% – 24% trong mùa khô, tăng từ 7% - 15% vào mùa lũ. Nước lũ sẽ cao hơn tại Cần Thơ, thời gian ngập lũ tại đây sẽ kéo dài hơn hiện nay. Việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng khó khăn. Suy giảm tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông ngư nghiệp.