Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bôxit: đừng tranh cãi mãi

(21:28:12 PM 15/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Cuộc tranh cãi về khai thác bôxit luôn diễn ra căng thẳng suốt mấy năm nay trên bàn hội nghị hay bên lề các cuộc họp, thậm chí ngay tại hiện trường dự án. Một bên quyết tâm làm còn một bên quyết tâm dừng. Bên nào cũng có lý nhưng lý lẽ của bên quyết tâm làm đang đuối dần khi một dự án bắt đầu cho ra sản phẩm.

  Tổ hợp bôxít nhôm Tân Rai- Lâm Đồng đang lưu kho hơn 300.000 tấn alumin vì chưa bán được. Mỗi ngày tổ hợp này tiếp tục sản xuất thêm 1.000 tấn- Ảnh: Mai Vinh

 Bên quyết tâm làm cho rằng cái mỏ bôxit mênh mông ở Tây nguyên thuộc hàng có trữ lượng lớn trên thế giới, cần khai thác để phát triển kinh tế, đặc biệt là kích cho vùng Tây nguyên phát triển nhanh hơn.

 

Và không dừng lại ở phạm vi Lâm Đồng và Đắk Nông, bên quyết tâm làm còn muốn mở rộng thăm dò, khai thác bôxit ở Gia Lai và Bình Phước. Trong khi bên quyết tâm dừng cho rằng trữ lượng lớn nhưng bôxit Tây nguyên thuộc loại bôxit nghèo (chất lượng không cao) nên khai thác không có hiệu quả. Giá nhôm lại giảm nên giá alumin (sản phẩm chế biến từ bôxit) cũng giảm. Với giá này, khai thác bôxit chắc chắn lỗ nặng. Thế nhưng, bên quyết tâm làm vẫn hi vọng giá bán sản phẩm alumin sẽ tăng lên trong tương lai.

 

Không thể tính lời - lỗ theo kiểu phập phù trông vào tương lai như vậy được!

 

Đó là khía cạnh kinh tế, chưa kể hệ lụy môi trường và xã hội từ khi khởi động hai dự án bôxit. Đất đai của dân bị thu hồi để làm dự án vẫn chưa được đền bù xong. Đơn khiếu kiện vẫn còn chồng chất đó. Môi trường khu vực dự án luôn chìm trong mịt mù bụi đỏ. Đường bộ để vận chuyển alumin chưa nâng cấp kịp. Đường sắt chuyên dụng chưa biết bao giờ mới làm. Cảng Kê Gà để xuất alumin đã phải dừng lại. Hàng loạt vấn đề đang bày ra chưa rõ sẽ giải quyết thế nào.

 

Ngay cả những người đang điều hành dự án cũng bảo rằng họ đang lúng túng vì đây là “những công trình bôxit đầu tay, chưa có kinh nghiệm”. Họ thú thật rằng không hiểu hết công nghệ khai thác bôxit nên làm đến đâu biết đến đó và phụ thuộc rất nhiều vào nhà thầu Chalieco của Trung Quốc. Chính một sếp của dự án Nhân Cơ thốt lên rằng: “Năng lực quản lý của chủ đầu tư có phần hạn chế. Nhà thầu Trung Quốc lần đầu tiên thi công dự án tại VN nên khá lúng túng...”.

 

Như vậy, cả hai dự án khai thác bôxit Nhân Cơ và Tân Rai đều không bảo đảm những yêu cầu tối thiểu về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì làm sao hi vọng vớt vát được gì? Trong khi tiền của bỏ ra rất lớn và chi phí đổ vào hai dự án này tiếp tục tăng. Dự án Nhân Cơ tăng chi phí tới 40% so với dự toán ban đầu trong khi chưa thi công xong nên chưa biết có còn phát sinh gì nữa hay không. Nhà máy bôxit Tân Rai đã hoàn tất thi công, đang chạy thử nhưng chưa bán được sản phẩm alumin nên không có tiền trả lương cho công nhân (TKV với tư cách chủ đầu tư phải tiếp tục chi trả). Nhiều công nhân chịu không nổi đồng lương còm cõi đã xin nghỉ việc, thậm chí tự động bỏ việc.

 

Quả thật hai dự án bôxit này đều đang tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục tiến, phải có người đứng ra chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Nếu thoái, phải quyết định càng sớm càng tốt để bớt đổ tiền của, công sức của dân vào đó. Trước mắt, theo đề xuất của một chuyên gia về khoáng sản, nên tiến hành kiểm toán độc lập cả hai dự án này. Nếu kết quả cho thấy dự án nào không bảo đảm có hiệu quả thật sự thì nên quyết định dừng ngay, đừng để tranh cãi mãi rồi không ai chịu trách nhiệm cả!

Theo XUÂN TRUNG (TTO)