Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bức ảnh Lễ hội khất thực đề tên tác giả Đỗ Văn Tri đoạt huy chương vàng
Bức ảnh gốc của ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm
Ngày 14-5, ông Phạm Văn Tý, chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế, cho biết ban kiểm tra của hội đang thẩm định, sau đó ban chấp hành hội sẽ họp, cho các bên đối chất, nếu cần sẽ đề nghị Hội Nhiếp ảnh trung ương thu lại huy chương đã trao.
Đó là tác phẩm ảnh Lễ hội khất thực đề tên tác giả Đỗ Văn Tri (hội viên Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế). Khi ảnh được đưa ra triển lãm và nhận giải thưởng, ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm (cũng là hội viên Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế) đã nhận ra đây là bức ảnh do mình bấm máy. Vì vậy ngày 6-5, ông Tâm đã có đơn gửi Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế và các cấp thẩm quyền đề nghị xem xét lại giải thưởng tác phẩm nói trên.
Trong đơn, ông Tâm cho biết bức ảnh này được chụp trong lần đi sáng tác tại chùa Huyền Không (Huế) vào ngày 7-3-2012 với ông Nguyễn Hữu Hài (cùng trong hội nhiếp ảnh).
Ông Tâm cùng ông Hài trèo lên tòa tháp để chụp cảnh đoàn sư khất thực dưới sân, và ông Tâm đã chụp được nhiều ảnh từ một góc chụp rất khó và nguy hiểm này. Ông Tâm cũng cho biết ông Hài có đưa máy và nhờ ông bấm vài kiểu ảnh tương tự.
Bức ảnh đoạt giải của ông Tri chính là lấy từ máy của ông Hài do ông Tâm bấm. Ông Tâm cho rằng mình đã “công bố quyền tác giả” về góc chụp bức ảnh khi triển lãm bức ảnh tương tự mang tên Lễ hội khất thực tại triển lãm Sắc xuân (Huế, ngày 26-3-2012) và nhiều diễn đàn khác.
Trước áp lực của dư luận trong giới nhiếp ảnh, ngày 9-5 ông Đỗ Văn Tri đã làm bản tường trình gửi đến hội nhiếp ảnh thừa nhận bức ảnh đoạt giải là do ông Nguyễn Hữu Hài cho ông. Ông đã đem dự thi và “không ngờ” đoạt huy chương vàng. Ông Tri cho biết “lấy làm hổ thẹn” vì đã làm tổn thương và làm phiền người khác, nhất là làm ảnh hưởng đến uy tín của nhiếp ảnh tỉnh nhà.
Biên bản kiểm tra sau đó cũng ghi rõ bức ảnh Lễ hội khất thực được “ông Nguyễn Hữu Hài nhờ ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm bấm máy. Ông Nguyễn Hữu Hài đã đồng ý chuyển quyền tác giả và tác phẩm cho ông Đỗ Văn Tri kể từ khi ông Tri có nhu cầu và được ông Hài đồng thuận”.
Về việc ai là người chọn góc chụp, trao đổi với PV , ông Hài cho biết “góc ảnh này do thầy Chơn Hữu phát hiện, chỉ cho tôi vào năm 2010 và vừa rồi tôi đã chỉ cho ông Tâm lên chụp”.
Trong khi đó, ông Tâm nói: “Chú Hài có hẹn tôi ngày đó đi chụp trên chùa Huyền Không, còn tôi thừa biết góc đó là góc ảnh đẹp, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Huế ai cũng biết góc ảnh đẹp này cả”. Ông Tâm cũng cho biết ông dự định dùng ảnh chụp từ góc này để gửi đến cuộc thi ảnh du lịch tại VN và ảnh về chủ đề Phật giáo tại Thái Lan.
Xung quanh câu chuyện này, chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế nêu ý kiến: “Bức ảnh dù do anh Tâm chụp nhưng rõ ràng ý tưởng là của anh Hài. Theo “luật chơi” của anh em nhiếp ảnh xưa nay, việc nhờ bấm giúp như vậy cũng thường diễn ra”.
Còn ông Đặng Văn Trân, trưởng ban kiểm tra Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng việc ông Tâm triển lãm và đưa ảnh ở góc chụp này lên mạng rồi lại nói bản quyền góc ảnh thuộc về mình là không đúng, nếu ông Tâm muốn thì phải đăng ký bản quyền hẳn hoi.
* Ông Nguyễn Mạnh Quý (trưởng đại diện cơ quan phía Nam Cục Bản quyền tác giả): Cần phân định quyền nhân thân và quyền tài sản
Trong trường hợp này, tác giả bức ảnh đương nhiên không phải của ông Nguyễn Hữu Hài và ông Đỗ Văn Tri. Ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm mới là tác giả vì ông là người chụp bức ảnh này. Tuy nhiên, vì quyền tác giả gồm quyền nhân thân và quyền tài sản nên cũng cần phân định. Ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm có toàn quyền nhân thân về bức ảnh như được đề tên tác giả, được thông báo, được hỏi ý kiến khi bức ảnh bị chỉnh sửa, mang đi dự thi... Những người khác không được can thiệp hay sử dụng bức ảnh vào mục đích khác khi chưa thông qua ý kiến ông Tâm (việc bức ảnh bị đem đi dự thi dưới tên người khác là hoàn toàn sai trái).
Còn về quyền tài sản, do giữa ông Tâm và ông Hài không có sự thỏa thuận ngay từ đầu nên cũng hơi khó, cho nên giải quyết dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên với nhau là chính. Tuy là ông Tâm chụp, nhưng phương tiện (máy ảnh) là của ông Hài. Ví như một nhân viên khi sử dụng máy móc, phương tiện của công ty làm nên tác phẩm thì quyền sở hữu vẫn thuộc về công ty vậy. Nếu ông Tâm và ông Hài là bạn bè, đồng nghiệp thì có lẽ họ nên thỏa thuận với nhau là tốt nhất.
* Luật sư TRẦN HỒNG PHONG: Có thể là đồng tác giả
Việc xác định ai là tác giả đích thực của bức ảnh này khá thú vị, không khó, nhưng đòi hỏi các bên phải trung thực, tôn trọng sự thật một cách công khai.
Trước hết, chúng ta cần thống nhất rằng tác phẩm ảnh này là kết quả sáng tạo của con người cụ thể. Do vậy, thuộc đối tượng sở hữu trí tuệ (quyền tác giả). Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ, người nào sáng tạo/sáng tác ra bức ảnh chính là tác giả. Lưu ý là tôi nhấn mạnh yếu tố sáng tác/sáng tạo chứ không phải là việc bấm máy (việc máy ảnh của ai không quan trọng, vì máy ảnh chỉ là phương tiện sáng tác trong trường hợp này).
Theo đó, có thể thấy tác giả bức ảnh chính là sự “lòng vòng” đâu đó xung quanh ông Tâm và ông Hài. Có hai khả năng có thể xảy ra để có thể xác định ai là tác giả.
Nếu ông Tâm chỉ đơn thuần bấm máy theo yêu cầu, “chỉ đạo” của ông Hài thì theo tôi, khi đó vai trò của ông Tâm cũng chỉ như là “phương tiện” để ông Hài thực hiện việc sáng tạo của mình. Điều này có thể so sánh như việc một nhạc sĩ sáng tác, nhưng do bị cụt tay nên nhờ một người khác chép giùm bản nhạc ra giấy. Như vậy, tác giả bức ảnh chính là ông Hài.
Tuy nhiên nếu sau khi cầm máy, ông Tâm có sự suy nghĩ, canh chỉnh về góc chụp, về đối tượng, nhân vật trong ảnh... thì hiển nhiên bức ảnh cũng có kết tinh sự sáng tạo của ông Tâm trong đó. Trong trường hợp này, ông Tâm cũng chính là tác giả của bức ảnh. Và nếu khả năng này xảy ra, theo tôi, cả hai ông Tâm và Hài đều là tác giả của bức ảnh, còn gọi là đồng tác giả. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.