Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói Việt Nam hết sức chú trọng kỹ thuật vận hành các hồ chứa, liên hồ chứa thủy điện, kết hợp hài hòa giữa phát triển điện và cải thiện môi trường
“Chúng tôi khuyến khích việc phát triển thủy điện nhưng phải đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Hồng Toàn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Tài nguyên Nước&Môi trường Lưu vực Sông, trả lời báo chí trong cuộc họp báo bên lề hội nghị, “Nếu không chú ý, việc phát triển thủy điện tràn lan sẽ tác động đến môi trường”.
Mới đây Bộ Công thương ra chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố loại khỏi qui hoạch những dự án thủy điện vừa và nhỏ không khả thi, hiệu quả thấp về kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án ảnh hưởng tới môi trường. Vì lợi ích, nhiều thủy điện lấn vào cả khu bảo tồn thiên nhiên.
“Phát triển thủy điện mà lại đi phá rừng thì không thể gọi là bền vững được”, ông Toàn nhấn mạnh.
GS. TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng, Chủ tịch Hội Đập lớn&Phát triển Nguồn nước Việt Nam, nói sau khi thủy điện được xây dựng, nếu chúng ta có sự điều hành tốt sẽ hạn chế tiêu cực đối với môi trường. Chúng ta cũng cần sớm có văn bản để giải quyết vấn đề này.
Ông Jia Jinsheng, Chủ tịch Ủy hội Đập lớn Thế giới, nói các quốc gia sử dụng nước sông Mê Kông có sự phối hợp tốt sẽ là yếu tố quan trọng giúp các nước kiểm soát lũ lụt, tạo năng lượng sạch cho con người.
“Trong quá trình xây dựng thủy điện, chúng tôi cam kết sẽ giảm thiểu những tiêu cực đến môi trường”, ông Jia Jinsheng phát biểu bên lề hội nghị lần đầu tiên được tổ chức ở Đông Nam Á.
Ông Jia Jinsheng nói thêm Trung Quốc đã phối hợp với Ủy hội Sông Mê Kông (gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, và Campuchia) để quản lý sông Mê Kông. Trung Quốc cũng đã cung cấp thông tin về mùa lũ tại các trạm thủy văn để Việt Nam cảnh báo lũ.
Ngoài ra, Trung Quốc và các nước cũng tìm hiểu chế độ vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn để đánh giá chính xác những tác động có thể xảy ra.
Trả lời báo chí bên lề buổi họp báo, ông Toàn nói Việt Nam vừa phát triển thủy điện trong nước và hiện vẫn mua điện ở nước làng giềng. Và việc Việt Nam đầu tư xây dựng thủy điện ở Lào cũng vì mục đích sử dụng điện trong tương lai.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh Việt Nam có nguồn nước dồi dào nhưng lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng trong năm, dễ gây hạn hán và lũ lụt, đe dọa tính mạng của con người và tài sản. Việt Nam cũng dễ bị tác động bởi hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Vì vậy Việt Nam rất coi trọng việc xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện với nhiều đê, đập lớn. Nội dung của hội nghị chắc chắn sẽ hữu ích cho sự nghiệp xây dựng đập, phát triển nguồn nước ở Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển điện năng, Việt Nam rất quan tâm đến thủy điện, một nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Nhiều nhà máy đã và đang được xây dựng như Hòa Bình, Yaly, Sơn La, v.v… Việt Nam cũng hết sức chú trọng kỹ thuật vận hành các hồ chứa, liên hồ chứa thủy điện, kết hợp hài hòa giữa phát triển điện với các mục tiêu cắt giảm lũ cho hạ lưu, cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt và cải thiện môi trường, sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước.
Hiện khoảng 60% tổng lượng nước mặt của Việt Nam đến từ các nước láng giềng, nhiều dòng sông chảy đến Việt Nam từ các nước và cũng nhiều dòng chảy từ Việt Nam sang các nước.
Đến nay, cả nước có 1.021 dự án thủy điện (24.246 MW) đã được phê duyệt quy hoạch nằm tại 36 tỉnh, thành phố. Trong số đó có 138 dự án (18.366 MW) thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông lớn được Bộ Công Thương phê duyệt. Còn lại là các dự án thủy điện vừa và nhỏ do tỉnh quản lý.
- Hội Đập lớn&Phát triển Nguồn nước Việt Nam được thành lập tháng 7/2004 và gần một năm sau được công nhận là thành viên chính thức của Ủy hội Đập lớn Thế giới.
- Ủy hội Đập lớn Thế giới (ICOLD) là tổ chức quốc tế phi chính phủ, có tính chất nghề nghiệp nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi khiến thức về kinh nghiệm và kỹ thuật sao cho các đập trên thế giới được an toàn, hiệu quả, giá thành hợp lý, không gây hại cho môi trường. ICOLD được thành lập năm 1928 và có 95 nước thành viên tập hợp hàng chục vạn chuyên gia, các nhà sư phạm, nghiên cứu và quản lý, kỹ sư, doanh nhân, các tổ chức công lập và tư nhân, các doanh nghiệp tư vấn, xây dựng và chế tạo.