Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở nước ta hiệu suất sử dụng phân đạm mới chỉ đạt từ 30-45%, phân lân từ 40-45% và kali từ 40-50% tùy theo chất đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, các loại phân bón. Như vậy còn đến 55-70% lượng đạm tương đương với khoảng 1,8 triệu tấn urê, 55-60% lượng phân lân tương đương 2 triệu tấn supe lân và 340.000 tấn kali được bón vào đất, nhưng không được cây trồng hấp thụ.
Tính từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7%, nhưng lượng phân bón hóa học sử dụng tăng tới 517%. Nếu xét về mặt kinh tế, có khoảng 2/3 lượng phân bón hàng năm mà cây trồng chưa sử dụng được đồng nghĩa với 2/3 lượng tiền người nông dân đầu tư mua phân bón bị lãng phí, với tổng thất thoát lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Còn xét về mặt môi trường, trừ một phần các chất dinh dưỡng có trong phân bón được giữ lại bởi các keo đất là nguồn dinh dưỡng dự trữ cho mùa sau, phần lớn lượng phân bón hàng năm bị rửa trôi, hoặc bay hơi đã làm xấu đi môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống. Đây chính là những tác nhân gây ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng gia tăng chóng mặt. Ước tính có trên 700 loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật đang được người nông dân sử dụng, với khối lượng lên đến trên 75.000 tấn mỗi năm. Ngoài việc gây ô nhiễm đất, dư lượng các hóa chất này còn gây ô nhiễm tầng nước ngầm, nước mặt khi sử dụng quá nhiều, nên cây trồng không thể hấp thụ bị thải ra môi trường xung quanh, chiếm khoảng 50-70% tổng lượng thuốc đã sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hàng năm.