Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đường vào trung tâm xã Làng Mô, hai bên đường rợp bóng cây lớn, thành quả sau nhiều năm bảo vệ cây của người dân trong xã. Ông Giàng A Khua - Chủ tịch UBND xã Làng Mô cho biết: ý thức bảo vệ rừng của bà con không biết có từ khi nào. Bản thân tôi là người con của vùng đất khó khăn này cũng được các bậc tiền bối căn dặn phải giữ rừng để rừng nuôi ta. Nhiều đối tượng xấu vào địa bàn để lợi dụng dân chặt phá rừng làm nương lấy gỗ, nhưng đều bị tố giác.
Hiện toàn xã có trên 3.700 ha đất có rừng. Ngoài tiền hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Nhà nước, không để đất rừng bỏ không, nhiều người đã chủ động xen canh cây trồng trên đất rừng trống, đồi ven rừng nguyên sinh, từ đó đem lại nguồn lợi kinh tế chính đáng.
Về mô hình cộng đồng bảo vệ rừng, ông Khua chia sẻ: ở các bản trên địa bàn xã luôn có các tổ bảo vệ rừng được hoạt động trên hương ước ban hành từ trước. Người đứng đầu là trưởng bản hoặc già làng, hay người có uy tín trong bản. Những người này trực tiếp quản lý tổ bảo vệ và giao nhiệm vụ cho từng thành viên, đồng thời tổ chức các buổi họp bản vào thời điểm khô hanh. Người lớn có trách nhiệm khuyên răn con cháu mình có ý thức không được đốt cỏ, củ và cành khô trong rừng. Tất cả những việc như chăn thả gia súc, khai hoang đất… được quy hoạch, phân chia ranh giới bản rõ ràng; người dân lên rừng lấy củi khô, tươi vẫn phải có trách nhiệm báo cho trưởng bản biết để nắm tình hình, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt hành chính dưới 100.000 đồng, tùy vào lỗi nặng, nhẹ…
Những “nội quy” nghiêm ngặt trên dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân xã Làng Mô, cũng vì ý thức đó mà diện tích rừng trên địa bàn không ngừng tăng lên. Thấy rõ nguồn lợi tự nhiên sẵn có, nhiều gia đình đã biết kết hợp phát triển kinh tế vườn rừng, trang trại bằng hình thức nông- lâm kết hợp, nuôi gà chăn thả tại dưới tán đồi, rừng, nuôi ong lấy mật… Từ đây ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế vườn - rừng có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Theo chân cán bộ kiểm lâm, chúng tôi đến bản Nhiều Sáng 2 cách trung tâm xã không xa. Bản Nhiều Sáng 2 với 80 hộ người dân tộc Dao, gần 350 nhân khẩu, quản lý trên 300 ha rừng tự nhiên. Bản nằm khuất sau rừng gỗ xanh tốt, dọc con đường nhỏ và dốc dẫn vào bản, những cây gỗ nguyên sinh hiên ngang ngước mắt lên cũng không thấy mặt trời. Đi dưới bóng mát của những cây dổi to, ông Lý Cù Sun - Trưởng bản Nhiều Sáng 2 cho biết: “Bà con trong bản chúng tôi rất vinh dự khi được là “chủ rừng”. Nhất là từ khi có được tiền dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước, bà con càng phấn khởi hơn, có hộ được cả chục triệu đồng/năm”. “Lâu lắm rồi tôi chưa được cầm tiền nộp phạt của bà con” – ông Sun vui vẻ nói.
Tuy nhiên, địa bàn rộng, phức tạp và nhiều diện tích rừng đang bị trồng chéo với các địa phương khác đang là nguyên nhân khiến việc quản lý tài nguyên rừng trở nên khó khăn. Ông Giàng A Khua - Chủ tịch UBND xã Làng Mô cho rằng: “Vì rừng bây giờ gắn liền với quyền lợi người dân, nên ý thức “rừng nhà ai thì nhà ấy quản lý” từ đó mà nảy sinh thêm. Rất cần thiết cơ quan chức năng lên kế hoạch khảo sát, quy hoạch, thống kê lại diện tích đất rừng chuẩn cho địa phương để bà con yên tâm hơn”.
Con đường huyết mạch nối từ xã đi trung tâm huyện và các xã lân cận đang hoàn thiện việc dải nhựa là niềm mơ ước của bà con bấy lâu nay. Được biết, thời gian tới đây, xã chuẩn bị triển khai trồng thử nghiệm trên 10ha cây sơn tra (táo mèo). Bà con dân tộc nơi đây sẽ lại có thêm một động lực nữa để gắn bó với rừng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đặc biệt hơn là giữ rừng đầu nguồn.