Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bảo tồn và phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể Trà Thái Nguyên Tin ảnh

(08:39:17 AM 14/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 13/5, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị triển khai Đề án "Bảo tồn và phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể Trà Thái Nguyên", với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin Truyền thông; các Sở, ban, ngành và các cơ quan trong tỉnh.

Với mục tiêu tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của Trà Thái Nguyên, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới với đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế, Đề án "Bảo tồn và phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên" sẽ được triển khai từ năm 2013 đến năm 2020 với hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2015 thực hiện các hạng mục: Điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể; bảo tồn, phát triển các làng nghề chè truyền thống gắn kết với phát triển du lịch; tổ chức Festival Trà Thái Nguyên; đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền. Những nội dung này sẽ tiếp tục triển khai trong Giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020.

 

 


Đồi chè Thái Nguyên (ảnh minh họa)

 

Theo đó, các vùng chè truyền thống, nổi tiếng, gắn với phương thức sản xuất cổ truyền trên địa bàn tỉnh như: Tân Cương (TP Thái Nguyên); Trại Cài (huyện Đồng Hỷ); La Bằng (huyện Đại Từ); Vô Tranh, Tức Tranh (huyện Phú Lương); Điềm Mặc (huyện Định Hoá)... sẽ được nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hoá phi vật thể đặc trưng gắn với cây chè và sản phẩm trà. Đề án cũng sẽ duy trì các lễ hội dân gian truyền thống của Thái Nguyên, lễ hội văn hoá ẩm thực trà tại các cộng đồng dân cư; góp phần khôi phục, phát triển nét thưởng trà của người Thái Nguyên nói chung và vùng dân tộc nói riêng.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan như: Giải pháp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm trà; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đối với vùng trồng chè tập trung, gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới; Nâng cao thu nhập cho người trồng chè, tạo diện mạo mới cho ngành chè Thái Nguyên; Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ quản lý chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, các nhà nghiên cứu văn hóa; Đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, giao tiếp và trình diễn nghệ thuật mời trà, thưởng trà...


Thái Nguyên hiện có hơn 18.600 ha chè, trong đó có gần 17.000 ha chè kinh doanh với năng suất bình quân ước đạt 109 tạ/ha, sản lượng 185.000 tấn chè búp tươi, xuất khẩu được 7.200 tấn. Diện tích chè giống mới tại Thái Nguyên đạt gần 7.500 ha, trong những năm tiếp theo, tỉnh chủ trương hạn chế mở rộng diện tích chè trồng mới, tập trung thâm canh, cải tạo thay thế diện tích chè cũ bằng các giống chè chất lượng cao, ổn định, phù hợp với điều kiện địa phương. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ chè giống mới đạt 60% diện tích chè toàn tỉnh.

(TTXVN)