Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hệ thống chiếu sáng cao tại hầm đèo Hải Vân
Trên thực tế, tổng điện năng sử dụng cho hoạt động chiếu sáng ở nước ta vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 35% trong khi trên thế giới tỷ lệ này chỉ chiếm 16-17%.
Năm 2007 cả nước có khoảng 80 triệu bóng huỳnh quang T10 và chấn lưu sắt từ tổn hao cao 12W. Nếu thay được số bóng đèn đó bằng bóng T8 và 50 triệu bóng sợi đốt 60W bằng bóng compact 11W ước tính có thể tiết kiệm gần 3,5 nghìn MW.
Tuy nhiên, bên cạnh thực trạng thiếu điện trầm trọng, công tác truyền thông tích cực phổ biến về TKNL thì trên thị trường lượng bóng sợi đốt tiêu thụ hàng năm vẫn còn rất cao, trên 50 triệu sản phẩm/năm.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây Dựng, cho biết mục tiêu phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2015 là 60% công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo tại các đô thị loại 2 sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện.
100% hệ thống chiếu sáng mới sử dụng công nghệ TKNL. Đặc biệt, từng bước hứng đến sử dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng khu vực miền trung và nam bộ.
Trước yêu cầu đó, ý kiến chung nhiều chuyên gia, để hoạt động TKNL trong chiếu sáng phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, sự nỗ lực, phối hợp từ các ban, ngành, doanh nghiệp là rất cần thiết.
Thành quả bước đầu
Theo thống kê của Hội chiếu sáng Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 800 nghìn bóng đèn chiếu sáng công cộng với các loại công suất khác nhau, mỗi năm tiêu thụ hết 584 triệu Kwh. Trong năm 2009, tổng điện năng tiêu thụ cho tất cả các lĩnh vực chiếu sáng chiếm khoảng 25 % tổng điện năng thương phẩm tương đương trên 21 nghìn tỷ Kwh/năm.
Trước tình hình thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn năng lượng, trong đó có điện năng, Hội chiếu sáng Việt Nam đã rất quan tâm đến việc phổ biến kiến thức tiết kiệm điện đến hội viên và toàn thể xã hội.
Trong những năm qua hàng trăm hội thảo về ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chiếu sáng nhằm sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đã được tổ chức. Kết quả là nhiều hội viên đã sản xuất được các nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ sản phẩm tiết kiệm điện, hiệu suất cao.
Sau một thời gian triển khai các hoạt động chiếu sáng TKNL, các sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao đã được sử dụng phổ biến trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng học đường, trụ sở cơ quan, tòa nhà thương mại, hộ gia đình từ thành thị đến nông thôn.
Theo TS Vũ Minh Mão, so với trước đó, thiết bị chiếu sáng TKNL đã giúp tiết kiệm từ 30-35% lượng điện năng tiêu thụ. Không chỉ đem đến hiệu quả kinh tế rõ rệt, công nghệ mới còn giúp khắc phục tình trạng cắt cưỡng bức để giảm công suất điện của hệ thống chiếu sáng công cộng; khắc phục khoảng sáng – tối gây bất tiện cho giao thông và không thuận tiện cho người dân.
Nỗ lực từ phía doanh nghiệp
Có một thực tế là bóng đèn sợi đốt giá rẻ, tiện dụng, phù hợp với mức thu nhập chung của người tiêu dùng nhất là khu vực nông thôn và miền núi. Đây cũng là khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị chiếu sáng TKNL.
Bên cạnh đó, vấn nạn hàng không rõ xuất xứ, chất lượng kém khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngờ mất lòng tin với sản phẩm tiết kiệm điện cũng là bài toán khó với doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, trong lĩnh vực chiếu sáng hiệu suất cao của Việt Nam vẫn xuất hiện nhiều doanh nghiệp điển hình, tích cực truyền thông cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tiêu biểu như Công ty Rạng Đông, Hùng Phong, Hapulico, Vinakip… Sản xuất các thiết bị TKNL cho thấy trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường, vì sự phát triển bền vững đồng thời cũng là cách doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, khẳng định chất lượng.
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu về nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng, Công ty Rạng Đông đã sản xuất được nhiều sản phẩm TKNL chất lượng cao, được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tín nhiệm.
Được biết, Công ty này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hiện đại hóa dây chuyền máy móc, công nghệ cũng như nhân lực. Đến nay, Rạng Đông về cơ bản đã chủ động trong mọi quy trình sản xuất.
Không chỉ có thế, bản thân Rạng Đông cũng rất tích cực tham gia những hoạt động tuyên truyền TKNL mang tính cộng đồng, thường xuyên tổ chức và tham gia các lớp tập huấn về TKNL, trình diễn mô hình thí điểm về chiếu sáng TKNL.
Chiếu sáng năng lượng mặt trời
Từ ví dụ điển hình của Công ty Rạng Đông cho thấy doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong công tác thực hiện chiếu sáng TKNL. Việc doanh nghiệp thiết thực cung cấp ra thị trường những sản phẩm TKNL chất lượng cao chính là các quảng bá hiệu quả, dần tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Truyền thông có vai trò quan trọng
Tại hội thảo “Truyền thông với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong chiếu sáng được tổ chức hôm 15/6 vừa qua tại Hà Nội, nhiều đại biểu đều thống nhất khẳng định vai trò to lớn của hoạt động truyền thông với Chương trình TKNL nói chung, TKNL trong chiếu sáng nói riêng.
Nhấn mạnh về vai trò của truyền thông PGS.TS Lưu Đức Hải, Cục trưởng cục phát triển đô thị, Bộ Xây Dựng “Truyền thông và nâng cao nhận thức về chiếu sáng công cộng hiệu suất cao là 1 trong 5 hợp phần của dự án “Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam – VEEPL” góp phần nâng cao nhận thức vê tính cần thiết và lợi ích của chiếu sáng hiệu suất cao, phổ biến rộng rãi mô hình sử dụng TKNL và khuyến khích áp dụng trên quy mô rộng”.
Bà Phan Cẩm Tú, chuyên viên Văn phòng tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, khẳng định, truyên truyền quảng bá tiết kiệm điện đóng vai trò rất quan tròn, là trách nhiệm không những của cơ quan chức năng, nhà quản lý mà còn là trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà sản xuất, đơn vị truyền thông báo chí và của bản thân người tiêu dùng.
Thông qua các hình thức tuyên tuyền trên các phương tiện như báo hình, báo nói, báo viết, báo điện tử, những thông tin về Chương trình MTQG về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đông đảo người dân biết đến qua đó ý thức của người dân và doanh nghiệp dần thay đổi theo hướng tích cực.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song với sự nỗ lực từ các ban ngành, từ doanh nghiệp và phía người dân, trong thơì gian tới chiếu sáng TKNL chắc chắn sẽ không còn là khái niệm xa lạ.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2015 tầm nhìn 2025, Bộ Xây dựng đã xây dựng đề án cụ thể trong đó đưa ra các giải pháp như hỗ trợ thể chế, chính sách, chú trọng đào tào, phát triển nguồn nhân lực. Hi vọng rằng chiếu sáng hiệu suất cao tại Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp công nghệ đưa Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập đồng thời góp phần giải quyết bài toán năng lượng quốc gia.