Lẽ thường, khi sản phẩm đầu tiên của những dự án quy mô và được trông đợi như dự án bauxite Tây Nguyên ra lò luôn được tổ chức rình rang để quảng bá, tiếp thị.
Thế nhưng, những sản phẩm cùng hợp đồng xuất hàng đầu tiên của dự án bauxite Tây Nguyên lại khá im ắng. Sự lặng lẽ này diễn ra khi mà những sản phẩm đầu tiên của dự án gây tranh cãi cũng như quan tâm sâu sắc này vừa ra lò đã thấy… lỗ. Bởi lẽ, giá thành 1 tấn alumin, nếu kể cả giá vận chuyển, vào khoảng gần 400 USD trong khi giá thực tế năm 2013 chỉ ở khoảng 316 USD.
Bởi thế, chính chủ đầu tư và hiện vẫn đang nhất quyết theo đuổi dự án bauxite Tây Nguyên là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) mới đây cũng đã phải thừa nhận trong cuộc hội thảo quy tụ những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu ở Hà Nội rằng thời gian thu hồi vốn của 2 dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ đều lâu hơn 2-3 năm so với phê duyệt trước đó. Nói cách khác, hiệu quả kinh tế của dự án bauxite Tây Nguyên không như tính toán trước đây.
Song, theo các chuyên gia thì đó còn là những tính toán lạc quan và chưa tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào. Nếu tính đúng và đủ, theo giới chuyên môn, dự án bauxite cầm chắc lỗ. Lỗ cả hiện tại lẫn trong tương lai. Chính vì thế, sau khi phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo với những số liệu và đánh giá mới nhất, các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu đã cho rằng cần phải tạm dừng dự án bauxite Tây Nguyên.
Có lẽ hiếm dự án nào mà cả “đầu” đều không xuôi và “đuôi” cũng không lọt như dự án bauxite Tây Nguyên. Trước khi dự án triển khai xây dựng, giới chuyên môn và dư luận đã phản ứng rất mạnh từ hiệu quả kinh tế đến nỗi lo về an ninh - quốc phòng, đặc biệt là vấn đề môi trường. Nay, khi các mỗi lo ngại này vẫn còn nguyên đó thì vấn đề hiệu quả kinh tế đã đúng như phân tích, cảnh báo. Đó là chưa kể chuyện đường vận chuyển, cảng cho dự án đã “đổ bể”, không như tính toán ban đầu.
Vậy vì sao mà Vinacomin vẫn phớt lờ dư luận, cứ “cố đấm ăn xôi” quyết thực hiện tới cùng dự án bauxite Tây Nguyên? Có thể thấy chủ đầu tư đang như thế “cưỡi lưng hổ” trong dự án này, bởi nếu “xuống” thì cả chục ngàn tỉ đồng đổ vào sẽ giải quyết ra sao? Song, nếu không “xuống” thì thiệt hại còn lớn và toàn diện hơn rất nhiều, chứ không chỉ đơn thuần về kinh tế. Bauxite Tây Nguyên xem ra càng “ngậm” lâu càng đắng!